Chuyện khó hiểu tại dự án casino “2 tỷ USD” của Bình Dương

(khoahocdoisong.vn) - Dự án casino này được đề nghị đầu tư trên khuôn viên dự án khu du lịch sinh thái (gồm sân golf, khách sạn, khu vui chơi, biệt thự) rộng gần 180 ha mà hơn 10 năm trước, tỉnh Bình Dương đã cho phép Công ty Mekong (100% Đài Loan) thực hiện.

Công ty Me Kong nào?

Ngày 5.4.2019, Sở KH&ĐT tỉnh Bình Dương đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị điều chỉnh Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư của Công ty CP Quốc tế Mekong tại Khu du lịch sinh thái Mekong Golf & Villas Tân Uyên, thuộc huyện Tân Uyên của tỉnh. Tới ngày 9.4.2019, Sở KH&ĐT tỉnh Bình Dương gửi văn bản xin ý kiến thẩm định tới Bộ TN&MT. Nội dung đề nghị Bộ này thẩm định dự án kinh doanh casino của Công ty CP Quốc tế Mekong.

Văn bản của Sở đề nghị Bộ TN&MT có văn bản thẩm định đề xuất của doanh nghiệp trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án. Sau đó, Sở KH&ĐT sẽ tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ KH&ĐT.

Gần 13 năm trước đó, ngày 16.10.2006, Văn phòng Chính phủ gửi văn bản 5891/VPCP-QHQT về dự án thành lập Công ty TNHH Quốc tế Mekong (tỉnh Bình Dương) tới 7 Bộ, NHNN, Tổng cục Du lịch và UBND tỉnh Bình Dương.  Theo đó, xét đề nghị của Bộ KH&ĐT và ý kiến các cơ quan liên quan về dự án thành lập Công ty TNHH Quốc tế Mekong với mục tiêu xây dựng, kinh doanh Khu du lịch sinh thái (sân golf, nhà ở, khách sạn, nghỉ dưỡng…) tại xã Bạch Đằng, huyện Tân Uyên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH&ĐT phối hợp UBND tỉnh Bình Dương, căn cứ quy định pháp luật về đầu tư, xem xét, quyết định việc cấp Giấy Chứng nhận đầu tư và cho phép thực hiện dự án.

Không rõ việc thành lập Công ty TNHH Quốc tế Mekong đã được thực hiện ra sao. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, hệ thống đăng ký doanh nghiệp quốc gia, pháp nhân Công ty TNHH Quốc tế Mekong không tồn tại. Thay vào đó, là công ty CP Quốc tế Mekong. Đây cũng là doanh nghiệp được nhắc tới trong hầu hết các văn bản pháp lý liên quan tới tổ hợp sinh thái Golf & Villas Tân Uyên.

Theo hồ sơ của Sở KH&ĐT tỉnh Bình Dương gửi Bộ TN&MT ngày 5.4.2019 về dự án casino tại Tân Uyên, thì tháng 6.2007, Công ty CP Quốc tế Mekong được thành lập (Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 3700805502 do Sở KH&ĐT Bình Dương cấp). Theo đó, công ty có trụ sở đặt tại xã Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên (nay thuộc huyện Bắc Tân Uyên). Công ty có vốn điều lệ gần 900,14 tỷ đồng, góp bởi 7 cá nhân cổ đông đều đến từ Đài Loan.

Dự án khu du lịch sinh thái Mekong Golf & Villas có tổng mức đầu tư 1.290 tỷ đồng, diện tích 202,66 ha, gồm các hạng mục: sân golf 54 lỗ, khách sạn nhà hàng, công viên, khu du lịch vườn cây ăn trái, công trình phụ trợ, biệt thự…. Theo báo cáo của Công ty, diện tích đã GPMB là 199,2 ha (trong đó khu dự án sân golf 178,73 ha, và khu tái định cư 20,4 ha).

Trong giai đoạn 1, công ty đã hoàn thành đầu tư 27 đường golf, sử dụng hết 65 ha/178,73 diện tích dự án, đã hoạt động 18 lỗ golf từ năm 2013 tới nay kèm nhiều công trình phụ trợ. Lưu ý, các đợt giao đất của tỉnh cho công ty vào tháng 12.2015, ghi nhận có khoảng 4 ha là đất hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch.

Công ty cho biết chuẩn bị đưa vào hoạt động 27 lỗ golf vào tháng 4.2019 và tiếp tục mở rộng xây dựng các hạng mục còn lại. Qua khai thác 18 hố golf, chưa năm nào công ty có lãi, mà đều lỗ nặng. Năm 2018, công ty đạt doanh thu gần 19,3 tỷ đồng, lỗ hơn 25,6 tỷ đồng, nên không nôpk thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ai là chủ đầu tư thật ?

Như trên đã dẫn, theo hồ sơ, tại dự án khu du lịch sinh thái tại Tân Uyên có sự xuất hiện của 2 công ty. Đó là Công ty TNHH Quốc tế Me Kong và Công ty CP Quốc tế Me Kong. Khó hiểu hơn nữa, trong hồ sơ từ Sở KH&ĐT Bình Dương xin ý kiến Bộ TN&MT về dự án của Công ty CP Quốc tế Me Kong, thì lại xuất hiện văn bản quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho dự án của Công ty TNHH Quốc tế Me Kong.

Cụ thể, tháng 12.2009, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ký quyết định 5198/QĐ-UBND, phê duyệt duyệt báo cáo ĐTM dự án “Khu du lịch sinh thái vườn cây ăn trái kết hợp thể thao Golf diện tích 178,73 ha tại Cù lao Bạch Đằng, huyện Tân Uyên, tình Bình Dương” của Công ty TNHH Quốc tế Me Kong. Ở đây, tên gọi dự án không phải “Khu du lịch sinh thái MeKong Golf & Villas” như trong văn bản đề nghị của Sở KH&ĐT gửi Bộ TN&MT.

Tuy nhiên, căn cứ theo hồ sơ, có thể nhận thấy các thông số về dự án này trùng khớp với dự án Khu du lịch sinh thái Mekong Golf & Villas của Công ty CP Quốc tế Me Kong. Thông tin bổ sung cần lưu ý, Công ty TNHH Quốc tế Me Kong đã được nhắc tới trong văn bản của Văn phòng Chính phủ thời điểm tháng 10.2006. Nhưng sau đó gần một năm, tới tháng 6.2007, Công ty CP Quốc tế Me Kong mới được thành lập tại Bình Dương.

Nếu những thông tin này đều là chuẩn xác, sẽ dẫn tới thực tế là quyết định phê duyệt ĐTM của UBND tỉnh Bình Dương (tháng 12.2009) và dự án được tỉnh này cấp chứng nhận đầu tư (vào năm 2007) đã điều chỉnh hai đối tượng  khác nhau. Bởi nếu trùng, không lý gì văn bản ra đời sau (năm 2009) lại sai khác (pháp nhân chủ đầu tư lẫn thông số, tên gọi dự án) so với ban đầu (năm 2007).

Đầu năm 2019, Công ty CP Quốc tế Mekong đã đăng ký tăng vốn điều lệ từ 901 tỷ đồng lên tới hơn 50.000 tỷ đồng. Qua đó đạt điều kiện cần để thực hiện dự án casino (giai đoạn 2 của dự án golf & villas tại Tân Uyên. Thông tin bổ sung là trước đó, vốn điều lệ đăng ký của doanh nghiệp này khi thực hiện giai đoạn 1 của dự án vẫn thiếu hụt, dù đã đưa vào khai thác một phần.

Vậy thì, thực ra tỉnh Bình Dương giới thiệu làm dự án casino cho Công ty Me Kong nào, hay đây là pha nhầm lẫn khôi hài tới hiếm có của UBND tỉnh Bình Dương ? Đó là điều đang cần được làm rõ. Ý kiến các Bộ ngành về dự án này ra sao, thực hư nguồn tiền đầu tư dự án đến từ đâu… đó là điều KH&ĐS sẽ tiếp tục thông tin.

Theo Đời sống
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top