Thủy điện Sông Miện 5: Nhiều câu hỏi chưa được giải đáp

(khoahocdoisong.vn) - Dù có nhiều sai phạm, đặc biệt là xây dựng sai thiết kế, nhưng dự án thủy điện Sông Miện 5 vẫn được thế chấp "thành công" cho BIDV...

Hợp lý hóa sai phạm?

Ngày 22/8/2008, UBND tỉnh Hà Giang có Quyết định số 2737/QĐ-UBND, phê duyệt quy hoạch thủy điện nhỏ và vừa đối với công trình thủy điện sông Miện 5 tại xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên. Công ty CP thủy điện Sông Miện 5 là một trong số những doanh nghiệp dự án được thành lập và hoạt động trên cơ sở xây dựng và điều hành các công trình thủy điện dọc theo sông Miện (Hà Giang), trong đó có dự án Thủy điện Sông Miện 5.

Kèm theo các thủ tục khác, Dự án sau đó được UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại quyết định số 4022/QĐ-UBND ngày 14/10/2009. Khi được phép triển khai, dự án Thủy điện Sông Miện 5 có các thông số kỹ thuật cơ bản như diện tích lưu vực 1574 km2; mực nước dâng bình thường 155m; mực nước hạ lưu 120m, công suất lắp máy 16,5MW, tổng vốn đầu tư hơn 600 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thay vì thực hiện theo đúng quy mô, thiết kế đã được phê duyệt, chủ đầu tư lại xây dựng dự án thành một công trình hoàn toàn khác. Để hợp lý hóa sự thay đổi này, tháng 9/2011, Công ty CP thủy điện Sông Miện 5 có tờ trình xin điều chỉnh công suất máy phát điện cho nhà máy.

Nhận được đề nghị này, Sở Công Thương Hà Giang đã có văn bản đề nghị chủ đầu tư cung cấp hồ sơ pháp lý và hồ sơ thiết kế điều chỉnh để lấy ý kiến các ngành. Nhưng chủ đầu tư không thực hiện yêu cầu này. Do đó, tới ngày 5/10/2011, Sở Công Thương đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Hà Giang về việc Công ty CP thủy điện Sông Miện 5 chưa nộp hồ sơ dự án thẩm định, nên không có cơ sở để tham mưu và lấy ý kiến tư vấn các ngành chức năng.

Với các nỗ lực xin điều chỉnh dự án của Công ty CP thủy điện Sông Miện 5, hơn một năm sau, tới ngày 27/12/2012, UBND tỉnh Hà Giang có văn bản số 3968/UBND-CNGTXD, đồng ý cho công ty này lắp 2 tổ máy phát với tổng công suất 20MW. Văn bản của UBND tỉnh Hà Giang "giao hẹn", chỉ được lắp máy phát trên cơ sở không điều chỉnh quy mô đầu tư xây dựng đập khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, nhằm đảm bảo an toàn và không gây ảnh hưởng xấu đến vùng hạ du...

Trên thực tế, Công ty CP thủy điện Sông Miện 5 đã thực hiện ngược lại chỉ đạo của tỉnh. Theo Thanh tra tỉnh Hà Giang, qua thanh tra thủy điện Sông Miện 5 cho thấy, cao trình xả tràn đập của dự án đã cao hơn so với thiết kế cơ sở là 6,1m; cao trình đỉnh đập cao hơn 3,3m. Mực nước dâng thực tế cao hơn so với mực nước dâng bình thường là 7,7m, và cao hơn 5,4m so với mực nước lũ kiểm tra. Thanh tra tỉnh kết luận, đập thủy điện Sông Miện 5 đã bị xây dựng sai với Quy hoạch được duyệt và Thiết kế cơ sở được thẩm định, vi phạm khoản 1 điều 4 Luật Xây dựng.

Đã thế, Thanh tra tỉnh cũng khẳng định, chủ đầu tư đã tự lập, tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, tổng dự toán trên cơ sở Dự án đầu tư đã được duyệt, vi phạm khoản 1 điều 7, Quyết định số 30/2006/BCN ngày 31/8/2006 của Bộ Công nghiệp về quản lý đầu tư xây dựng các dự án thủy điện độc lập.

Điều khó hiểu là, với những sai phạm rất nặng ấy, 4 năm sau, ngày 30/03/2016, Sở Xây dựng Hà Giang lại cấp cho Công ty CP thủy điện Sông Miện 5 giấy phép xây dựng số 01/GPXD-SXD để dựng các công trình thuộc Dự án thủy điện Sông Miện 5. Theo giấy phép này, tổng số có 5 hạng mục công trình của dự án được phép xây dựng, gồm đập + nhà máy, trạm phân phối điện; nhà bảo vệ; nhà điều hành; nhà ở công nhân...

Trong khi đó, nhà máy của dự án này đã hoàn thành và phát điện từ ngày 30/9/2012, nhưng chỉ với công suất 16,5 MW.

Nghi vấn trong cho vay?

Theo thông tin đăng ký tài sản đảm bảo, ngày 22/06/2010, Công ty CP Thủy điện sông Miện 5 đã ký hợp đồng số 01/2010/SM5-HĐTCĐS để vay vốn từ BIDV Chi nhánh Hà Giang. Trong đó tài sản đảm bảo (TSĐB) là toàn bộ máy móc thiết bị, công cụ, dụng cụ, các công trình phụ trợ khác của dự án Nhà máy Thủy điện Sông Miện 5.

Tới 25/9/2014, một ngân hàng khác đã mua lại nợ và ký hợp đồng tín dụng thời hạn 63 tháng với Công ty CP Thủy điện sông Miện 5 (216,6 tỷ đồng). Dù là mua lại nợ, nhưng ngân hàng mua lại vẫn đánh giá "Đây là một dự án có tính khả thi cao, dòng tiền thanh toán ổn định". Dẫu "có tính khả thi cao và thanh toán ổn định", thì đến thời điểm hiện tại, khi đã gần hết thời hạn trả nợ, Công ty CP Thủy điện sông Miện 5 vẫn nợ ngân hàng này gần 100 tỷ đồng, tương đương 50% gói tín dụng.

Đáng chú ý, ngày 27/10/2018, công ty này tiếp tục ký thế chấp Nhà máy Thủy điện Sông Miện 5 cho ngân hàng này. Theo đó, TSĐB là toàn bộ máy móc thiết bị công nghệ đầu tư cho dự án Nhà máy thủy điện Sông Miện 5, và hệ thống thiết bị phục vụ vận hành, truyền tải điện cho nhà máy; thiết bị đóng ngắt trong và ngoài nhà máy, và toàn bộ các các công trình, chi phí khác (tư vấn, lãi vay, chi phí dự phòng....) trong dự án.

Do dự án Thủy điện sông Miện 5 đã bị Thanh tra tỉnh Hà Giang kết luận có nhiều sai phạm, đặc biệt là tự ý xây dựng vượt thiết kế. Từ đây, có ý kiến cho rằng các đơn vị cho vay đã vi phạm các quy định về cho vay đối với dự án này. Cụ thể là chấp nhận hồ sơ và giải ngân cho những sai phạm sai thiết kế, dự toán tại hợp đồng (của BIDV) năm 2010 (khi mua lại nợ). Sau đó là chấp nhận TSĐB hình thành từ sai phạm tại hợp đồng 2018. 

Khó hiểu hơn nữa, dù thiếu khá nhiều thủ tục pháp lý và các văn bản liên quan, Công ty CP thủy điện Sông Miện 5 vẫn bán điện "thành công" cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Đương nhiên, theo quy định, để bán điện cho EVN, dự án phải có đầy đủ các hồ sơ pháp lý đi kèm.... Trong khi, dù đã phát điện ngày 30/9/2012, nhưng tới tận ngày 30/03/2016, dự án Nhà máy thủy điện Sông Miện 5 mới được cấp giấy phép xây dựng.

Theo Đời sống
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top