Thảm họa vỡ đập ở Lào, cảnh báo về thủy điện nhỏ ở Việt Nam

GS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng, sự cố thảm họa vỡ đập thủy điện ở Lào chính là tiếng chuông cảnh báo về các công trình thủy điện ở Việt Nam. Những cảnh báo này đã được nói đến nhiều, song chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Việc phát triển thủy điện nhỏ ồ ạt sẽ khiến chúng ta phải trả giá.

GS Vũ Trọng Hồng

Thủy điện nhỏ, hậu quả lớn

Ông đánh giá sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào như thế nào?

Hai đập bị vỡ, trong đó đập XePian thuộc loại thuỷ điện nhỏ (khoảng 15megawatt), được thiết kế theo loại thuỷ điện đường ống, dẫn nước về  thuỷ điện XeNamnoy, thuộc loại thuỷ điện hạng trung (khoảng gần 400 megawatt).  Hai đập bị vỡ, đang trong giai đoạn tích nước. Đập XiPian nằm ở thượng lưu, vỡ trước, kéo theo đập XeNamnoy vỡ sau. Loại thủy điện này không có hồ chứa nên khi mưa lớn, lũ sẽ tràn thân đập gây vỡ.

Đập thủy điện thường được thiết kế rất kiên cố, vì sao lại vỡ được?

Khi mưa lớn kéo dài sẽ làm đất xung quanh nền móng rã ra, làm chân đập bị nứt nếu là đập bê tông và thân đập sẽ nứt nếu là đập đất. Trường hợp này, đập vỡ ngay nên dân mới không kịp chạy, có thể thấy là do lũ tràn qua đỉnh nên đập vỡ luôn. Mực nước vượt quá khả năng chịu đựng của đập. Những đập thủy điện nhỏ như thế này ở Việt Nam rất nhiều, đặc biệt là ở Tây Nguyên và Tây Bắc. Hệ số an toàn thủy điện nhỏ thấp, nên rủi ro cũng lớn.

Hệ số an toàn của thủy điện nhỏ thấp trong khi Việt Nam có hàng nghìn thủy điện nhỏ, điều này có đáng lo?

Với chỉ số an toàn thấp, chỉ cần sơ suất nhỏ, rất dễ dẫn đến hư hỏng hoặc vỡ công trình. Đơn giản ở sự cố ở Lào, lũ thực tế lớn hơn lũ thiết kế, tràn qua đập thì gây vỡ. Trong khi đa phần các thủy điện nhỏ ở Việt Nam không có số liệu chính xác về lưu lượng nước. Thậm chí là khi xây dựng thì đi mượn số liệu ở lưu vực khác để tính toán. Trong khi biến đổi khí hậu, mưa cục bộ rất phổ biến. Nếu mượn số liệu ở lưu vực khác thì sai số sẽ rất lớn, khả năng xảy ra sự cố cũng rất cao.

Vì sao lại phải mượn số liệu lưu vực?

Đa số thủy điện nhỏ ở Việt Nam được xây dựng trên các dòng suối, trong khi theo quy định chung thì không được phép làm như vậy. Thủy điện phải làm ở các dòng sông có bờ ổn định, nền móng bằng phẳng, địa hình không phức tạp. Song thủy điện nhỏ của ta đa phần do tư nhân làm. Mà làm trên suối thì không thiết lập được trạm đo lũ. Họ muốn tối đa hóa lợi nhuận nên thường bỏ qua những khâu mà không bị kiểm soát. Rồi vì kinh doanh, họ cũng ít kiến thức chuyên môn về an toàn đập.

Rõ ràng, sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào đặt ra nhiều vấn đề với chúng ta?

Tôi từng nhiều lần lên tiếng cảnh báo thủy điện hiện nay có một cái sai rất lớn, đó là các sông suối nhỏ cũng đều làm thủy điện bậc thang, mỗi sông 3 – 4 nhà máy thủy điện. Khoảng cách giữa các nhà máy chỉ cách nhau khoảng chục cây số. Trong khi quy định là phải 100km trở lên. Các nước không ai cho phép như vậy bởi vì khi đập này tích nước, chưa kịp xả hết thì nước từ đập kia lại chảy về rồi.

Thủy điện nhỏ, bất cập lớn

Thủy điện nhỏ của ta rất nhiều, nguy cơ xảy ra rủi ro sẽ thế nào thưa ông?

Có một vấn đề rất lớn trong phát triển thủy điện nhỏ là chúng ta không thể dự báo lũ cho thuỷ điện nhỏ được. Lý do, không thể xác định đường lũ đến cho các thuỷ điện đó là đâu? Ví dụ, như thuỷ điện Hoà Bình, thuỷ điện sông Đà, thì đường lũ đến là sông Đà, nên chúng ta đặt trạm đo dòng chảy trên sông là có thể dự báo lũ. Còn thuỷ điện nhỏ chủ yếu xây dựng trên các suối, đan xen nhau (chúng ta có tới trên 3.400 dòng suối), nên rất khó xác định đường lũ đến đâu là chính. Điều này gây khó khăn cho việc phòng, tránh lũ.

Nghĩa là nguy cơ rủi ro của chúng ta cũng không khác gì thủy điện ở Lào?

Hiện nay chúng ta đã xây dựng nhiều bậc thang cho các thuỷ điện nhỏ, lại ở quá gần nhau (ví dụ thuỷ điện Sông Tranh ở Quảng Nam, trên một dòng sông có tới 3 thuỷ điện, chỉ cách nhau không tới chục km), sẽ dẫn đến đổ vỡ hàng loạt, khi thuỷ điện trên bị vỡ, giống như thuỷ điện XePian vỡ, dẫn đến thuỷ điện XeNamnoy vỡ. Ngoài ra, “truy trình ngược” hiện nay cũng là một bất cập.

Ông có thể nói cụ thể?

Chúng là làm rất nhiều thủy điện bậc thang. Về nguyên tắc, khi tích nước để phát điện thì thủy điện thấp nhất phải tích nước đầu tiên, rồi tuần tự. Để nếu có lũ, thủy điện phía trên sẽ là nơi hứng lũ, điều tiết lũ cho hạ du. Nhưng giờ quy trình rồi loạn.

Để tối đa hóa 1 mét khối nước, thì thủy điện ở bậc cao nhất tích nước trước, rồi xả xuống cho thủy điện bậc 2, rồi đến bậc 3. Thế là khi có lũ, thủy điện cao nhất xả lũ ồ ạt, các thủy điện phía dưới cũng đồng loạt xả, dân hạ du ngập. Nếu đập cao nhất vỡ, các đập phía dưới cũng vỡ theo.

Ông có thể giải thích vì sao nhiều thủy điện xây gần nhau lại dễ vỡ?

Khi lượng nước lũ của thuỷ điện bậc thang trên vỡ, nhưng cách xa thuỷ điện bậc dưới, thì lượng lũ đó sẽ phân vào các lưu vực xung quanh để chứa, không dồn ngay về cho thuỷ điện bậc dưới.

Đó là chưa kể quy trình vận hành hồ chứa thuỷ điện vẫn theo mục tiêu về kinh tế,  là làm sao một khối nước, có thể cho phát điện nhiều lần. Chính vì vậy, luôn cho thuỷ điện bậc thang trên cùng tích nước trước, rồi đến bậc dưới. Như vậy khi lũ về lớn hơn, thì buộc hồ dưới phải xả gấp, bởi hồ trên đã đầy.

Đúng là chuyện tích nước hay xả lũ cũng rất phức tạp?

Khi có lũ, không xả thì vỡ đập. Mà xả ồ ạt thì ngập hạt du. Do đó đó mới có quy định các hồ phải có dung tích chứa lũ. Nhưng thủy điện nhỏ muốn tối đa hóa lợi nhuận nên quy định này gần như ít được áp dụng.

Quy hoạch phát triển thủy điện có vấn đề

Như ông nói thì quy hoạch phát triển thủy điện ở ta hiện nay đang có vấn đề?

Đối với quy hoạch thuỷ điện của chúng ta hiện nay đang có một số bất cập. Chúng ta cần phải có nhiều giải pháp,  đối với hệ thống thuỷ điện hiện đang hoạt động, cũng như đối với hệ thống thuỷ điện sẽ được tiếp tục xây dựng.

Tuy nhiên theo ý kiến cá nhân tôi thì phải bảo đảm an toàn cho con người ở hạ du các thuỷ điện là số một. Sự cố thuỷ điện bên nước Lào nêu trên, gây ra thương vong và mất tích hàng trăm người là quá lớn.

Với hệ thống thủy điện dày đặc như thế, nếu vỡ, chắc thiệt hại sẽ rất lớn?

Đối với Việt Nam chúng ta, những thuỷ điện ở miền Trung cũng đều nằm trên vùng dân cư ở hạ du dày đặc, việc vỡ đập sẽ còn thiệt hại nhiều hơn so với sự cố nêu trên.

Thậm chí nhiều thành phố sẽ chìm trong nước nếu vỡ đập ở các thủy điện bậc thang. Tôi kiến nghị nhà nước đưa ra yêu cầu các hồ chứa, bất kỳ thuỷ lợi hay thuỷ điện, vào đầu mùa lũ, phải hạ thấp mực nước trong hồ chứa so với thiết kế, mà theo từ chuyên môn, là có được dung tích phòng lũ.

Đây có phải là quy định chung ở các nước khác có thủy điện?

Trên thế giới, đây là quy định nghiêm ngặt cho các hồ chứa vào đầu mùa lũ, luôn luôn phải chừa sẵn dung tích, đề phòng lũ về quá nhanh mới xử lý được. Đây là giải pháp an toàn nhất so với mọi giải pháp.

Đừng để đến khi xảy ra sự cố rồi mới tìm cách ứng cứu, giúp đỡ. Bộ Công thương có thể đề ra quy định tất cả các thủy điện buộc phải có dung tích phòng lũ. Khi đó, dù có mưa lũ bất thường cũng có thể điều tiết được.

Xin cảm ơn ông!

Vụ vỡ đập thủy điện tại Lào xảy ra tối 23/7. Ước tính 5 tỷ m3 nước đã đổ ra khu vực xung quanh “khiến nhiều người chết và hàng trăm người mất tích”.Nước đã cuốn trôi ít nhất 6 ngôi làng và khoảng 6.600 người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Dự án xây đập Xe Pian-Xe Namnoy có giá trị hơn một tỷ USD, được coi là một phần trong chiến lược xây hàng loạt nhà máy thủy điện của Lào để thực hiện tham vọng trở thành “ắc quy của châu Á”.

Tô Hội (thực hiện)

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Trong gần 65 năm qua, với đội ngũ phóng viên và cộng tác viên đông đảo là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, Khoa học và Đời sống đã có nhiều bài viết ấn tượng, làm nên thương hiệu, tên tuổi của tờ báo khoa học hàng đầu.
back to top