Mập mờ pháp lý...?
Vào thời điểm 2016, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có 3 dự án thủy điện trên sông Gâm đang chờ Bộ Công thương điều chỉnh quy hoạch. Bao gồm các dự án Bảo Lâm 2, Bảo Lâm 2A, và thủy điện Mông Ân. Trong đó, Dự án Thủy điện Mông Ân nằm tại xã Mông Ân và xã Nam Quang, huyện Bảo Lâm được phê duyệt theo Quyết định số 2019/QĐ-UBND ngày 30/10/2015 do UBND tỉnh Cao Bằng cấp. Trong các năm 2018 và 2018, dự án thủy điện Mông Ân tiếp tục được UBND tỉnh Cao Bằng điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Được biết, Dự án Thủy điện Mông Ân do Công ty CP Xây lắp điện lực 1 làm chủ đầu tư, khởi công xây dựng từ tháng 8/2017 với vốn đầu tư 915 tỷ đồng. Về quy mô, dự án gồm 2 tổ máy có công suất 30 MW, quy mô sử dụng đất và lòng hồ khoảng gần 100 ha. Khi đi vào hoạt động, dự án dự kiến sẽ cung cấp 102 triệu kw vào hệ thống điện lưới quốc gia.
Ngày 12/8/2015, UBND tỉnh Cao Bằng ra Quyết định số 1343/QĐ-UBND về việc ủy quyền thông báo thu hồi đất, quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án đền bù hỗ trợ và tái định cư và giải phóng mặt bằng các công trình thủy điện tại huyện Bảo Lạc và huyện Bảo Lâm do Công ty Cổ phần xây lắp điện I làm chủ đầu tư. Công văn do ông Đoàn Văn Eng, khi đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký.
Tới ngày 10 /1/2019, UBND huyện Bảo Lâm ra Quyết định 32/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự toán bồi thường hỗ trợ và tái định cư công trình thủy điện Mông Ân, hạng mục lòng hồ thị trấn Pác Miầu, xã Nam Quang, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Cùng ngày, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm Vũ Ngọc Lưu đã ký quyết định thu hồi đất của 68 hộ dân có đất trong Dự án trên.
Theo Nghị quyết số 20/NĐ-HĐND ngày 8/12/2017 của HĐND tỉnh Cao Bằng, tại huyện Bảo Lâm có 2 dự án thuộc diện công trình do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư mà phải thu hồi đất. Đó là Dự án Thủy điện Mông Ân, và Dự án Thủy điện Bắc Mê.
Tuy nhiên, các thông tin mà PV thu thập được hiện chưa cho thấy Dự án thủy điện Mông Ân đã có chấp thuận của Thủ tướng. Thực tế, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và 2 quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án này do UBND tỉnh Cao Bằng ban hành... đều không dẫn chiếu hay căn cứ điều chỉnh của Bộ Công thương, hay Quyết định từ Thủ tướng Chính phủ ? Căn cứ theo nghị quyế của HĐND tỉnh Cao Bằng, câu hỏi dự án Thủy điện Mông Ân có được Thủ tướng chấp thuận, quyết định đầu tư hay không, hiện vẫn đang bỏ ngỏ.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh cùng đoàn công tác kiểm tra công trình Thủy điện Mông Ân. |
Tốt doanh nghiệp, khổ dân
Trên cơ sở các thủ tục đã có, ngày 13/7/2018, chủ đầu tư đã thế chấp dự án thủy điện Mông Ân này tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam theo Hợp đồng số 76/2018/HĐBĐ/NHCT320-EI. Theo đó, tài sản đảm bảo cho hợp đồng được mô tả cụ thể như sau:
(a) Các tài sản là toàn bộ động sản hình thành trong tương lai trừ tàu bay, tàu biển và phương tiện vận tải đã hình thành của Bên Bảo Đảm thuộc Dự Án thủy điện Mông Ân bao gồm nhưng không giới hạn: các máy móc, hệ thống đường dây, trang thiết bị, công cụ dụng cụ và các động sản khác thuộc Dự Án thủy điện Mông Ấn. Dự Án thủy điện Mông Ân nằm tại xã Mông Ân và xã Nam Quang, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng theo Quyết định chủ trương đầu tư số 2019/QĐ-UBND do UBND tỉnh Cao Bằng cấp ngày 30/10/2015; Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư số 259/QĐ-UNBD do UBND tỉnh Cao Bằng cấp ngày 10/03/2017, Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư Thủy điện Mông Ân số 285/QĐ-UBND ngày 20/03/2018 của UBND tỉnh Cao Bằng, Quyết định về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình thủy điện Mông Ân (điều chỉnh) số 03/QĐ-PCC1-EI-HĐQT của Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Xây lắp Điện I ký ngày 26/03/2018 , Nghị quyết về việc Đổi tên chủ đầu tư Dự án thủy điện Mông Ấn số 08/NQ-PCC1-HĐQT ngày 05/03/2018, Hợp đồng chuyển nhượng công trình thủy điện Mông Ân số 0127/2018/HĐ/PCC1-PCC1-EI ngày 10/03/2018.
b) Các quyền, lợi ích của Bên Bảo Đảm phát sinh từ tất cả các hợp đồng bảo hiểm (bao gồm cả các phụ lục, văn bản sửa đổi bổ sung của hợp đồng bảo hiểm nếu có) đối với một hoặc tất cả các tài sản nêu tại điểm (a) nêu trên, bao gồm cả quyền nhận tiền bảo hiểm, bồi thường.”
Điểm thu hút sự chú ý tại Dự án thủy điện Mông Ân là tổng mức đầu tư hơn 916 tỷ đồng, nhưng phương án đền bù hỗ trợ giải phóng mặt bằng chỉ vẻn vẹn hơn 5 tỷ đồng. Sự ít này thể hiện "hiệu quả" ngay sau đó, khi dù khởi công tháng 8/2017, nhưng nhiều hộ dân khu vực lòng hồ dự án đã không nhận tiền, với lý do giá đền bù thấp. Và từ tháng 8/2018, công trình đã phải tạm dừng thi công.
Theo đơn phản ánh của một số hộ dân, giá đền bù của dự án là quá thấp. Thậm chí, không ít gia đình chỉ được nhận đền bù... hơn 500.000 đồng. Ông Lê Văn Đồng, Chủ tịch UBND thị trấn Pác Miầu xác nhận về thực tế này, và cho biết đã nhận được nhiều phản ánh của người dân về giá đền bù quá thấp. Cơ bản người dân không chấp nhận phương án đền bù này nên không nhận tiền - đại diện chính quyền địa phương cho biết.
Cần nhắc lại, theo quy định tại Luật Đầu tư công 2014; Luật Đầu tư 2014; Điều 73 Luật Đất đai năm 2013, Dự án thủy điện Mông Ấn không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo Điều 61, Điều 62 Luật Đất đai năm 2013. Bên cạnh đó, dù Nghị quyết số 20/NĐ-HĐND ngày 8/12/2017 của HĐND tỉnh Cao Bằng khẳng định dự án thuộc diện công trình do Thủ tướng chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư mà phải thu hồi đất. Nhưng trong tất cả tài liệu về dự án mà phóng viên KH&ĐS đã thu thập đến thời điểm này, thì đều là từ UBND tỉnh Cao Bằng ban hành.
Câu hỏi đặt ra, phải chăng nội dung nghị quyết HĐND tỉnh Cao Bằng đã...thừa nội dung, khi đưa Dự án Thủy điện Mông Ân "vào diện" Thủ tướng có ý kiến ?
Công ty CP Xây lắp điện lực 1 thành lập ngày 2/3/1963. Năm 2016, Công ty đã niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM với mã cổ phiếu PC1. Công ty hiện do ông Trịnh Văn Tuấn làm Chủ tịch HĐQT. Được biết, ông Tuấn sinh ngày 05/07/1962, quê tại Thanh Hóa, hiện đang ở tại Thanh Xuân Bắc, Hà Nội.