Hồ chứa thủy điện tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Đến nay, cả nước đã và đang xây dựng hơn 1 ngàn công trình thủy điện với tổng công suất lắp máy trên 8.000MW điện, chiếm gần 40% tổng công suất điện quốc gia. Hiện nay, đang xây dựng khoảng gần 240 hồ, tổng dung tích hơn 21 tỷ m3 nước, công suất lắp máy gần 9.000MW và trên 500 hồ đã có quy hoạch xây dựng trong vài năm tới với tổng dung tích gần 4 tỷ m3, công suất lắp máy hơn 4.200 MW.
Theo TS Lê Bắc Huỳnh, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, hồ chứa thủy điện cho phép sử dụng tổng hợp, đa mục tiêu và phát huy hiệu quả nguồn nước lưu vực sông, có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm an ninh về nước cho phát triển bền vững. Hồ chứa thường có nhiệm vụ cắt giảm lũ cho hạ du, cung cấp nước cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, hồ chứa thủy điện đang tiềm ẩn những nguy cơ sự cố, mất an toàn, gây lũ hoặc hạn hán thiếu nước giả tạo, không ít những thảm họa vỡ đập dẫn đến thiệt hại lớn về người và tài sản, hủy hoại tài nguyên và làm suy thoái môi trường, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống.
Việc phát triển quá nhiều thủy điện, quản lý không tốt khâu thiết kế, vận hành, sẽ dẫn đến hậu quả có thể nhìn thấy được. Việc vỡ đập, dân mất nhà, mất tài sản thậm chí mất cả tính mạng là điều khó tránh.
Đập không tự nhiên vỡ
Nói về các sự cố vỡ đập xảy ra liên tiếp thời gian gần đây, PGS.TS Lê Bắc Huỳnh cho rằng, nếu một công trình đập được xây dựng và vận hành theo đúng quy chuẩn, tính toán lũ thiết kế chuẩn xác, thì khả năng vỡ đập là gần như không xảy ra. Với những đập bị vỡ, chỉ có thể là do thiết kế, thi công có vấn đề. Các công trình thủy điện hiện nay mới chỉ chú ý đến lợi ích phát điện, mà chưa quan tâm đúng mức tới lợi ích tổng hợp, đến bảo đảm các lợi ích khác.
Cũng theo PGS.TS Lê Bắc Huỳnh, để nâng cao hiệu quả phát điện, người ta thường xây dựng công trình kiểu đường dẫn hoặc chuyển nước từ lưu vực sông này sang lưu vực sông khác (rất phổ biến hiện nay), tức là sử dụng đường ống áp lực, đường hầm dẫn nước từ trên cao cắt tắt qua một đoạn sông hoặc đường phân thủy để chuyển đến một vị trí khác (không bố trí nhà máy phát điện ngay trong thân đập trên lòng sông) ở thấp hơn để tạo đầu nước lớn chỉ để phát điện, cắt nhỏ dòng sông (gây đoạn sông “chết” sau đập chính, khô cạn nhiều dòng sông tự nhiên).
Vì chỉ chú ý đến hiệu quả phát điện nên trong nhiệm vụ thiết kế, xây dựng công trình, đa số các công trình hồ chứa thủy điện vừa và nhỏ không có dung tích phòng, chống lũ cho hạ du; không có giải pháp kỹ thuật (cống, tràn xả sâu, tràn sự cố...), quy trình không bảo đảm vận hành cắt giảm lũ vào mùa mưa và cấp nước trong mùa khô nên khi vận hành thường gây gia tăng lũ trong mùa ngập lụt ở hạ du hoặc không bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu trong mùa cạn làm các sông suối “khô héo” chết dần, chết mòn.
Phương thức khai thác, sử dụng nước như vậy, nếu không được đánh giá, cân nhắc đầy đủ các mặt lợi, mặt hại về tài nguyên, cảnh quan, môi trường tự nhiên và xã hội mà chỉ thấy lợi ích sản xuất điện trước mắt của tổ chức, cá nhân thì vùng đầu nguồn sẽ tiếp tục bị phá nát.
Trong điều kiện ở miền Trung, nhất là ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ, nơi vùng núi cao áp sát là các đồng bằng nhỏ hẹp đông dân cư, tập trung các thị xã, thành phố nên sẽ rất nguy hiểm nếu tiếp tục xây dựng những hồ chứa trên độ cao 500 - 800m, như đã và đang xây dựng các hồ chứa Hương Sơn, Vũ Quang, Hố Hô, nhiều hồ chứa ở Thừa Thiên – Huế, Lâm Đồng, Quảng Nam...