Chỉ cần có một cốc nước, đặt một củ hành tây lên để chúng ra rễ, lá. Để trước bàn làm việc, trong phòng khách, hay bất cứ đâu, cũng có thể phòng được cảm cúm. Điều này có đúng không?
Trồng hành phòng cúm
Mấy năm gần gây, trào lưu trồng hành tây trong cốc nước và đặt trong nhà, bàn làm việc ở công ty sẽ giúp bạn tăng cường sức đề kháng, phòng ngừa cảm cúm, nghẹt mũi hiệu quả được chị em văn phòng hưởng ứng khá rầm rộ. Hơn nữa, mỗi khi mệt mỏi hay tâm trạng không vui, bạn có thể tùy ý dùng bút dạ vẽ lên đó những biểu cảm mà bạn muốn. Đây có thể coi là một trong những cách giảm căng thẳng cực kỳ hiệu quả, giúp bạn giải tỏa được tâm trạng tiêu cực.
Chị Vũ Lan Dung (Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, chị thường xuyên có một củ hành tây làm cảnh ở bàn làm việc. Đọc tài liệu thì được biết các nhà khoa học đã chứng minh được rằng, hành tây có chứa một số phytoncide như allicin có tính kháng khuẩn mạnh, tác dụng tiêu diệt các vi khuẩn lây nhiễm, bao gồm cả vi khuẩn E. coli và Salmonella. Do “lợi cả đôi đường” nên ở nhà, chị cũng đặt những chậu cây cảnh từ hành tây khắp nơi, đặc biệt là phòng khách và bếp. Nếu trồng củ hành tây trong nhà, đặt ở các phòng, trên bàn làm việc, các chất chống oxi hóa từ hành tây sẽ lan tỏa giúp bầu không khí trong nhà, xung quanh bạn trong lành, sạch sẽ, phòng ngừa hiệu quả các bệnh cảm cúm, nghẹt mũi, giúp tăng cường sức đề kháng cho mọi người, nhất là trẻ em, đối tượng có hệ miễn dịch kém, hay mắc bệnh.
Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam cho biết, trong các sách về Đông Y chưa thấy có đề cập cách trồng củ hành tây vào trong lọ thủy tinh cho mọc rễ và lá có thể ngăn ngừa được cảm cúm. Tinh dầu của hành có ở trong củ chứ không ở trong lá và chúng không phát tán ra không khí trong quá trình trồng. Về bản chất, hành tây có tác dụng phòng và giải cảm hiệu quả. Có thể dùng hành tây luộc chín và ăn cả phần cái cũng như uống nước luộc. Tuy nhiên, mức nước cho vào luộc vừa phải để không bị mất đi độ cay của hành tây. Làm hành tây như cách trên có thể có tác dụng giải cảm hiệu quả và phòng ngừa cảm cúm nhất là những ngày lạnh. Tuy nhiên, nếu dùng cho trẻ nhỏ nên ở mức vừa phải, không quá cay, lượng vừa phải và nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
Dùng hành phòng cảm cúm đúng cách
PGS.TS Phạm Văn Nho, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, đúng là hành tây có chứa một số phytoncide như allicin có tính kháng khuẩn mạnh, tác dụng tiêu diệt các vi khuẩn lây nhiễm, bao gồm cả vi khuẩn E.coli và Salmonella. Hành tây có tác dụng rất tốt trong việc điều trị các chứng bệnh do cảm cúm, cảm lạnh, sổ mũi, nghẹt mũi, sốt siêu vi, cảm gió, cảm sốt kèm hắt hơi, sổ mũi… Chính vì những đặc tính kể trên nên hành tây được xem là thần dược trong việc phòng chống đại dịch cúm ở Tây Ban Nha vào thế kỷ 14.
Theo lương y Vũ Quốc Trung, cắt lát hành tây dùng để lau trán và đắp lên trán trong vòng 30 phút, khi kiểm tra sẽ thấy thân nhiệt hạ xuống vì hành tây có công dụng hạ sốt rất hiệu quả. Nhỏ vài giọt nước ép hành tây vào mũi sẽ giúp mũi đang bị tắc trở nên thông thoáng. Uống 3-4 thìa cà phê hành tây pha với mật ong để làm tiêu đờm và ngăn chặn sự tạo đờm trong cơ thể. Trước khi đi ngủ, bạn nên buộc một lát hành tây dưới gan bàn chân hoặc lồng nó vào trong bít tất để giữ chúng lại dưới gan bàn chân cả đêm sẽ có tác dụng phòng ngừa các bệnh cảm cúm và cảm lạnh.
Tuy nhiên, cách phòng cảm cúm hiệu quả hơn cả vẫn là nâng cao sức đề kháng cho trẻ bằng cách cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng, trong đó bổ sung vitamin C thông qua các loại trái cây, không để trẻ bỏ bữa hay ăn quá nhiều đồ ăn vặt dẫn đến đầy bụng khó ăn bữa chính… Việc sử dụng hành tây như một vị thuốc trong chế biến món ăn là cần thiết, nhưng lại là món không dễ ăn đối với trẻ. Bởi tinh dầu hành có vị cay, hăng. Hành tây có nhiều tác dụng trong việc phòng chống nhiễm khuẩn, song việc trồng hành tây trong cốc nước có thể là một cách giải trí hay, nhưng hoàn toàn không có tác dụng phòng chống bệnh cúm như nhiều người lầm tưởng.
Bảo Khánh