Dùng nhau thai mèo trị hen có thể lợi bất cập hại.
Trả lời thắc mắc này, Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông Y Việt Nam) cho biết:
Nhau thai là bộ phận ở trong tử cung, là phần phụ của thai, có nhiệm vụ che chở, bảo vệ và nuôi dưỡng thai khi còn ở trong bụng mẹ. Nhau thai là một tổ chức độc lập, cung cấp dinh dưỡng từ mẹ vào thai, duy trì môi trường sống để bảo đảm bào thai phát triển bình thường, khỏe mạnh. Nhau thai chuyển máu, oxy, các chất dinh dưỡng trong máu của mẹ vào bào thai.
Ngược lại, nó giúp loại bỏ các chất thải từ máu của bào thai tới cơ thể mẹ để tống ra ngoài. Nhau thai là nơi sản xuất ra hormon và các hoạt chất sinh học để bảo vệ thai. Thành phần nhau thai có nhiều protein, các khoáng vi lượng và các hoạt chất sinh học.
Bởi vậy trước đây người ta có sử dụng nhau thai người, động vật (trong đó có nhau thai mèo) để làm thuốc bổ và thuốc chữa bệnh. Theo các tài liệu cổ, nhau thai có được dùng để chữa hen suyễn.
Theo dược học cổ truyền, nhau thai có vị ngọt, mặn, tính ấm, có công dụng bổ khí huyết, ích tinh thường dùng để chữa các chứng bệnh cơ thể bị suy nhược, yếu, hen suyễn, ho ra máu, suy dinh dưỡng…
Một số nghiên cứu cho thấy nhau thai có tác dụng nâng cao sức đề kháng cơ thể, cải thiện công năng miễn dịch, chống cảm nhiễm, tăng cường chức năng tế bào thận, thúc đẩy quá trình phát dục, tạo huyết…
Theo kinh nghiệm dân gian, nhau thai tốt là còn phải nguyên bọc, không xây xát và có màu hồng tươi và muốn sử dụng có hiệu quả, không xảy ra những biến cố có hại phải biết cách chế biến.
Bản thân nhau thai là một tổ chức giàu protein, nếu xử lý không đúng cách sẽ bị nhiễm khuẩn hoặc bản thân nhau thai đã mang các mầm bệnh mà sử dụng thì rất nguy hiểm.
Bộ y tế cũng quy định nhau thai là một loại bệnh phẩm, nên việc xử lý phải tuân thủ những quy định rất ngặt nghèo.
Hiện nay, có nhiều loại thuốc bổ dưỡng và chữa hen suyễn còn tốt hơn cả việc dùng nhau thai, bởi vậy không khuyến khích việc dùng nhau thai trong chữa bệnh như “con dao hai lưỡi”, “lợi bất cập hại”.
Lương y Vũ Quốc Trung
(Hội Đông Y Việt Nam)