Bài thuốc Đông y chữa hai thể bệnh hen hiệu quả

Hen là bệnh có thể chữa khỏi nếu được sử dụng đúng thuốc. Hen phế quản có hai thể bệnh: Thể hen hàn và thể hen nhiệt với bài thuốc trị đặc hiệu.
hen

Hen là bệnh có thể chữa khỏi nếu được sử dụng đúng thuốc, có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Đặc biệt là khi người bệnh tránh được những yếu tố nguy cơ như tiếp xúc với các con vật nuôi trong nhà chó, mèo, chim cảnh, phấn hoa, khói thuốc lá, nấm mốc…Một người bệnh nếu có các biểu hiện ho, ho khan kéo dài, có tiếng khò khè trong cơ thể mà người ngồi cạnh cũng có thể nghe được, tức ngực, khó thở thì cần đi khám chuyên khoa hen dị ứng phế quản để được chẩn đoán và điều trị sớm, đúng phác đồ.

Theo y học cổ truyền hen phế quản có hai thể bệnh: Thể hen hàn và thể hen nhiệt.

Thể hen hàn: Người lạnh, mặt sắc trắng bệch, đờm loãng, có bọt và dễ khạc, không khát, thích uống nước nóng, đại tiện nhão, rêu lưỡi mỏng trắng. Phép trị là ôn phế, tán hành, hạ suyễn. Dùng bài thuốc gồm các vị: Bán hạ 12g, hậu phác 10g, tiền hồ 8g, chích thảo 6g, trần bì 8g, nhục quế 4g, tô tử 16g, đương quy 12g, gừng tươi 3 lát, táo 5 quả.

Trong bài, tô tử để giáng khí, hòa đàm, bình suyễn, chỉ ho. Bán hạ, hậu phác, tiền hồ, trần bì để khử đờm, chí ho, bình suyễn. Nhục quế để ôn thận, khu lý hàn, nạp khí, bình suyễn. Đương quy để dưỡng huyết, bổ can. Gừng, Tô tử để tán hàn tuyên phế. Cam thảo, táo để hòa trung, điều hòa các vị thuốc.

Thể hen nhiệt: Gặp trời nóng thì có cơn hen, thở mạnh, ho nhiều, đờm vàng đặc, dẻo, khó khạc, mặt đỏ, ra mồ hôi, khát, thích uống nước mát, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, nhờn. Phép trị là tuyên phế, thanh nhiệt, hóa đờm. Dùng bài thuốc gồm các vị: Mạch môn 20g, lá dâu (tang diệp) 20g, chỉ thiên (tiền hồ) 16g, rễ lau (bạch mao căn) 16g, cam thảo dây 12g, bạc hà 8g.

Trong bài thuốc trên: tang diệp, bạc hà để tuyên phế, thanh nhiệt. Tiền hồ để lý khí hóa đờm. Mạch môn để tư âm thanh nhiệt, nhuận phế. Rễ lau để thanh nhiệt, lợi tiểu, thông giáng khí phế. Cam thảo dây để thanh nhiệt, điều hòa các vị thuốc.

Các bài thuốc trên sắc uống ngày 1 thang. Cho 1 lít nước vào ấm sắc thuốc cùng thang thuốc, sắc kỹ, thu hồi 0,35 lít thuốc đặc. Chia uống 3 lần trong ngày, uống sau khi ăn 30 phút.

Ly Vũ Quốc Trung (Hội Đông Y Việt Nam)

Theo Đời sống
Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Cục máu đông, hay còn gọi là huyết khối, nếu xảy ra trong mạch máu của các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nguy hiểm và đôi khi có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
back to top