Thủ tướng: Muốn có khởi nghiệp đổi mới thì phải có giáo dục đổi mới

Chiều 26/3, tại Vĩnh Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ IV (SV-STARTUP).

Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ 4 diễn ra tại trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải (cơ sở 2 Vĩnh Phúc). Chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Vĩnh Phúc và nhà trường tổ chức.

Đây là sự kiện được tổ chức hàng năm với với mục tiêu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của  học  sinh,  sinh  viên (HSSV); giúp HSSV thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm và có khát vọng lớn để biến ước mơ, ý tưởng thành hiện thực.

ngay-hoi-khoi-nghiep.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự  Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ IV (SV-STARTUP).

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đây là sự kiện rất ý nghĩa. Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế về đổi mới sáng tạo toàn cầu, tiếp tục giữ vị trí đứng đầu trong 34 quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Hiện có hơn 1.000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, 100% các cơ sở đào tạo có kế hoạch hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. 

Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ rõ, Việt Nam là một nước có xuất phát điểm chậm hơn về khởi nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp vẫn còn có khoảng cách so với nhiều nước trên thế giới, cơ chế chính sách còn một số bất cập. Quan điểm chấp nhận rủi ro và vốn đầu tư cho khởi nghiệp còn hạn chế. Số lượng, chất lượng các dự án, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng.

Tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chưa lan tỏa mạnh mẽ đến tất cả các cấp, các ngành, người dân, ngay cả trong thế hệ trẻ. Sự gắn kết giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học với đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp còn hạn chế. Giáo dục đào tạo còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa quan tâm đúng mức đến kỹ năng, sáng tạo, khát vọng, tầm nhìn, chưa chú trọng phát huy năng lực đặc thù của từng học sinh, sinh viên.     

Để phong trào khởi nghiệp chuyển sang một giai đoạn mới cao hơn cả về chất và lượng, nhanh chóng đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về khởi nghiệp, chúng ta cần phải coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị chứ không phải là nhiệm vụ của riêng một bộ, ban, ngành, địa phương nào. Phải đẩy mạnh truyền thông về đổi mới sáng tạo, khuyến khích tư duy đổi mới sáng tạo, phá vỡ những định kiến, rào cản, lối mòn trong tư duy.

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải biết chấp nhận rủi ro, rủi ro lớn nhất là không biết chấp nhận rủi ro, chưa làm đã sợ thất bại, chưa thất bại đã không dám làm, phải hết sức tránh tư tưởng này.

Tiếp đến, phát huy tối đa nguồn lực con người, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp sáng tạo; muốn có khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì phải có giáo dục đổi mới sáng tạo; tạo môi trường, thu hút nguồn lực thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh hợp tác, mở rộng liên kết trong nước và quốc tế; các địa phương xây dựng cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ sở đào tạo, tổ chức…

Theo Thủ tướng, muốn có khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì phải có giáo dục đổi mới sáng tạo. Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải chú trọng phát triển từ gốc, từ chính kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, đạo đức của con người Việt Nam, thế hệ trẻ Việt Nam. Đưa giáo dục về khởi nghiệp sáng tạo vào nhà trường không chỉ ở bậc đại học, sau đại học mà từ các cấp học. Nỗ lực xây dựng một nền giáo dục mở, thực học, thực tài; nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường là nền tảng, giáo viên là động lực.

Đổi mới từ cách nghĩ, cách làm đến nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, truyền đạt kiến thức, truyền cảm hứng, trong đó, lý thuyết phải gắn chặt với thực tiễn, thực hành. Đổi mới mạnh mẽ tư duy từ trang bị kiến thức sang trang bị năng lực, phẩm chất toàn diện; tăng cường các hoạt động hướng nghiệp, tạo môi trường khơi gợi khả năng sáng tạo cho học sinh, sinh viên.

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ tiếp thu những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành sẽ phát huy kết quả của ngày hội khởi nghiệp để trang bị các kỹ năng cần thiết, tạo khát vọng khởi nghiệp, lập nghiệp phục vụ đất nước...

"Từ góc độ chuyên môn, chức năng nhiệm vụ của giáo dục và đào tạo, ngành sẽ thực hiện thật tốt việc trang bị kiến thức, phát triển năng lực, rèn luyện các phẩm chất, kỹ năng cho học sinh từ phổ thông tới đại học để học sinh có được nền tảng căn bản cho khởi nghiệp. Bồi đắp ý chí và khát vọng cho sinh viên, tăng cường trang bị kỹ năng khởi nghiệp. Bộ sẽ cùng với các bộ ngành, doanh nghiệp, các đơn vị tạo lập môi trường tốt nhất cho hoạt động khởi nghiệp của học sinh sinh viên", Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo nói.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top