Thu nhỏ dạ dày để giảm béo: Phẫu thuật giảm cân có an toàn?

Sau cắt bỏ 70 – 80% dạ dày, đặc biệt là phần gây kích thích có các tế bào tiết ra hóc môn Ghrelin tạo cảm giác đói, sức khỏe người bệnh có an toàn?

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện tiêu hóa, Trưởng khoa phẫu thuật ống tiêu hóa – chuyên gia phẫu thuật thu nhỏ dạ dày giảm béo cho biết: Phẫu thuật thu nhỏ dạ dày ống đứng là một phẫu thuật giảm cân và điều trị béo phì. Đồng thời, phẫu thuật này cũng có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến béo phì như bệnh tim mạch, tiểu đường, huyết áp cao và một số bệnh ung thư.

Người bệnh sẽ được cắt bỏ đi khoảng 70-80% thể tích dạ dày dọc theo bờ cong lớn, để lại một ống dạ dày dọc theo bờ cong nhỏ với thể tích khoảng 150-200 ml. Hiện nay phẫu thuật được thực hiện bằng nội soi hoàn toàn giúp người bệnh rất ít đau, không để lại sẹo mổ lớn và có thể phục hồi nhanh chóng sau 2-3 ngày điều trị.

Mục đích chính của phẫu thuật này là giảm khả năng tiêu thụ thức ăn của người bệnh và giảm quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng. Phẫu thuật đã loại bỏ đi toàn bộ phần phình vị lớn của dạ dày, nơi có các tế bào tiết ra hóc môn Ghrelin tạo cảm giác đói, thèm ăn, khiến người bệnh giảm đi cảm giác đói.

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn cùng kíp mổ thực hiện nội soi thu nhỏ dạ dày giảm béo

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn cùng kíp mổ thực hiện nội soi thu nhỏ dạ dày giảm béo

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn phân tích, Ghrelin là một hormone peptide được sản xuất chủ yếu bởi tế bào trong niêm mạc dạ dày và tụy của con người. Nó có vai trò quan trọng trong quy trình tạo cảm giác thèm ăn và sự cân bằng năng lượng.

Ghrelin thường được gọi là "hormone đói" vì nó được tạo ra khi dạ dày cảm thấy trống và khi cơ thể cần nạp thêm năng lượng. Ghrelin gửi tín hiệu lên não bộ, đặc biệt là vùng giải phóng hormone tăng tiết (ARC) trong não, để kích thích cảm giác thèm ăn và đòi hỏi thức ăn. Điều này có vai trò quan trọng trong quá trình điều chỉnh việc tiêu thụ thức ăn và cân bằng năng lượng.

Ngoài tác động lên cảm giác thèm ăn, ghrelin cũng có tác động đến quá trình chuyển hóa chất béo, tăng sản xuất axit dạ dày và có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng hormone tăng tiết (GH). Sự điều chỉnh không đúng của ghrelin có thể góp phần vào các vấn đề liên quan đến cân nặng và chuyển hóa, bao gồm béo phì, tiểu đường, và rối loạn ăn uống.

Đặc biệt, bằng cách giảm kích thước dạ dày, phẫu thuật thu nhỏ dạ dày ống đứng giúp giới hạn lượng thức ăn mà bệnh nhân có thể ăn được và giúp người bệnh có được cảm giác no chỉ sau khi ăn một khối lượng thức ăn nhỏ chỉ bằng 20-30% khối lượng ăn thường ngày.

Điều này giúp người bệnh giảm cân và đạt được mục tiêu giảm cân của mình.

“Tuy nhiên, kết quả giảm cân thành công sau phẫu thuật thu nhỏ dạ dày ống đứng có thể khác nhau đối với từng bệnh nhân và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm chỉ số BMI ban đầu, tình trạng sức khỏe và tuân thủ chế độ dinh dưỡng sau phẫu thuật”- PGS.TS Tuấn nhấn mạnh.

Về mức độ an toàn, theo PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, phẫu thuật thu nhỏ dạ dày ống đứng là một phẫu thuật có mức độ an toàn cao, nhưng như bất kỳ phẫu thuật nào khác, nó cũng có thể gây ra một số tác động và hậu quả:

Rủi ro phẫu thuật: Phẫu thuật thu nhỏ dạ dày ống đứng, tuy ít phổ biến, vẫn có rủi ro như mất máu, nhiễm trùng, phản ứng dị ứng đối với thuốc gây mê.

Một số biến chứng liên quan trực tiếp tới phẫu thuật như rò đường cắt dạ dày, hẹp ống dạ dày còn lại. Để tránh các biến chứng này đòi hỏi người phẫu thuật viên phải được đào tạo kỹ càng và có kinh nghiệm trong phẫu thuật nội soi.

Thay đổi về hấp thụ chất dinh dưỡng: Việc thu nhỏ dạ dày có thể ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng, đặc biệt là việc hấp thụ các chất như vitamin B12, sắt, canxi và axit folic.

Do đó, sau phẫu thuật, người bệnh cần tuân thủ một chế độ ăn uống phù hợp và có thể cần bổ sung các loại vitamin và khoáng chất.

Thay đổi về lối sống và chế độ ăn uống: Phẫu thuật thu nhỏ dạ dày ống đứng yêu cầu người bệnh thay đổi lối sống và chế độ ăn uống.

Điều này có thể đòi hỏi sự tuân thủ và thay đổi thói quen ăn uống, cũng như sự tận tâm và kiên nhẫn để duy trì thành công sau phẫu thuật.

“Lưu ý rằng hậu quả và tác động có thể thay đổi tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Quyết định về phẫu thuật và các rủi ro liên quan nên được thảo luận và đánh giá cẩn thận với bác sĩ chuyên khoa trước khi quyết định” – PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.

Theo Đời sống
back to top