Thời tiết bất thường: Trẻ nhập viện mắc đồng loạt nhiều bệnh tăng cao

Thời tiết thay đổi thất thường, lúc nóng hầm hập, lúc mưa ào ào dễ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp, truyền nhiễm ở trẻ. Tình trạng trẻ nhập viện đồng loạt mắc nhiều bệnh đang tăng cao từ 150 – 200% tại các trung tâm nhi khoa. Nhiều sai lầm trong điều trị khiến trẻ nguy kịch.

Tăng 200% bệnh nhi khám và nhập viện

Bé N.V.P. (14 tháng tuổi, Quảng Ninh) sau 3 ngày chỉ có dấu hiệu sổ mũi, thỉnh thoảng xuất hiện các cơn ho, nôn... gia đình tự ý điều trị không đỡ mới đưa vào khám tại Bệnh viện Nhi T.Ư, bé trong tình trạng khò khè, khó thở phải thở máy cấp cứu vì suy hô hấp, rối loạn tiêu hóa...

BS Nguyễn Thị Lê, Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, đây là ca bệnh điển hình của bệnh viêm tiểu phế quản, trẻ không hề sốt cao hay nhiễm trùng gì nhiều nhưng bệnh tiến triển rất nhanh, dễ gây tử vong vì suy hô hấp...

Tại các trung tâm nhi khoa những ngày gần đây luôn kín giường trẻ sốt cao, quấy khóc, nôn trớ, thở máy... Nhiều bậc phụ huynh hoang mang, lo ngại khi con em mình đồng loạt mắc các triệu chứng bệnh đường hô hấp, tiêu hóa... khiến nhiều trẻ nhập viện phải điều trị.

Thống kê tại Bệnh viện Nhi T.Ư cho thấy, mỗi ngày khoa khám bệnh tiếp nhận trung bình khoảng 200 lượt khám liên quan đến các bệnh đường hô hấp. Trong đó, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 30 bệnh nhi mắc các bệnh viêm đường hô hấp dưới như viêm phổi, viêm tiểu phế quản…

bung-phat-tre-nhap-vien.jpg

Tương tự, tại Khoa Nhi của các bệnh viện như Bệnh viên E, Đa khoa Xanh Pôn, Thanh Nhàn... số bệnh nhi nhập viện do mắc bệnh bệnh viêm đường hô hấp và tiêu chảy cấp cũng gia tăng. BS Nghiêm Thị Mai Sang, Phó Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, trẻ bị nôn, sốt, tiêu chảy đến nhập viện có gia tăng trong 2 tuần vừa qua, mức tăng khoảng 150 – 200% so với tháng trước đó. Trong số gần 100 bệnh nhi đang điều trị nội trú tại khoa, có tới 70% bệnh nhi mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp, chủ yếu là viêm phổi, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản...

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, thời tiết thay đổi thất thường, lúc nóng hầm hập, lúc mưa ào ào dễ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp, truyền nhiễm ở trẻ. Ngoài ra, thời tiết nắng nóng kèm độ ẩm cao là môi trường thuận lợi cho nấm mốc, vi khuẩn phát triển, trẻ rất dễ bị ngộ độc, tiêu chảy cấp khi ăn phải những thức ăn bị ôi thiu. Chưa kể hệ hô hấp của trẻ trở nên yếu do niêm mạc mất nước, họng, mũi khô vì ngồi nhiều dưới quạt hoặc máy lạnh điều hòa.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, thời tiết miền Bắc đang trong thời điểm giao mùa nên trẻ em dễ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, đường tiêu hóa, các bệnh như tay chân miệng, sốt xuất huyết... cũng có nguy cơ bùng phát mạnh. Hơn nữa, thời gian gần đây "đóng cửa" vì dịch Covid-19, trẻ em không được đi ra ngoài, không tiếp xúc nhiều, hạn chế nhiễm các bệnh như trên, vì thế miễn dịch đối với các bệnh đó kém đi.

Một số biểu hiện trẻ nhiễm virus đường hô hấp

Virus là một trong những tác nhân quan trọng gây viêm đường hô hấp cấp ở trẻ em, đứng đầu là virus hợp bào hô hấp (RSV). Ngoài ra, còn có các loại virus khác như Rhinovuris, hMPV, Andenovirus, cúm… Bệnh lây truyền qua giọt bắn và dịch tiết của đường hô hấp bị nhiễm virus như ho, hắt hơi, chảy mũi, hoặc tiếp xúc trực tiếp như tiếp xúc dịch tiết hô hấp trên các bề mặt.

- Dấu hiệu khởi phát là các triệu chứng của viêm long đường hô hấp trên như ho, hắt hơi, sổ mũi…

- Giai đoạn toàn phát trẻ khò khè, ho, thở nhanh.

- Trẻ sơ sinh có thể tím tái hoặc có cơn ngừng thở.

Bệnh viêm đường hô hấp trên như viêm mũi, họng, viêm amidan thông thường triệu chứng nhẹ hơn. Tuy nhiên, các bệnh viêm đường hô hấp dưới như viêm phổi, viêm tiểu phế quản cần phải phát hiện sớm và điều trị kịp thời nếu không sẽ để lại những biến chứng như nhiễm khuẩn toàn thân, suy hô hấp.

Xử lý sai khiến trẻ nguy kịch

BS Nghiêm Thị Mai Sang cảnh báo, nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, thở rít, sốt, một số trẻ còn có tình trạng nhiễm trùng khá nặng do cha mẹ tự ý điều trị tại nhà, dùng kháng sinh không đúng dẫn tới không kiểm soát được tình trạng nhiễm trùng. Hay trẻ bị cảm lạnh nặng vì phụ huynh chườm sốt bằng nước lạnh...

bung-phat-bat-thuong.jpg
Thời tiết bất thường: Trẻ nhập viện mắc đồng loạt nhiều bệnh tăng cao

Các chuyên gia cũng cảnh báo về tình trạng bơm nước muối sinh lý vào một bên mũi để đẩy đàm nhớt sang mũi bên kia và ra ngoài phải cẩn thận chỉ lên áp dụng ở trẻ lớn, biết hợp tác... nếu không trẻ dễ dàng bị sặc nước muối và tím tái.

PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, các bệnh lý viêm đường hấp trên (cúm, viêm mũi họng, viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai giữa...) đã gây ra 10 triệu ca tử vong hằng năm. Trung bình 1 trẻ dưới 5 tuổi có thể mắc bệnh viêm đường hô hấp trên từ 4 - 6 lần/năm khiến trẻ suy giảm sức khỏe, chậm phát triển thể chất, trí tuệ.

Vì thế, khi bệnh nhi xuất hiện các dấu hiệu như ho, sốt, thở nhanh là các triệu chứng của viêm phổi, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế. Đặc biệt, khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu như sốt cao, co giật, nôn nhiều, ăn kém hoặc dấu hiệu suy hô hấp như khó thở, tím tái, rút lõm lồng ngực... Đây là các dấu hiệu viêm phổi nặng cần đưa đến cơ sở y tế ngay.

bung-phat-tre.jpg

Với các bệnh viêm đường hô hấp trên như viêm mũi họng, viêm tai, viêm amidan, trẻ có các biểu hiện nhẹ như ho, sốt, sổ mũi, có thể điều trị tại nhà. Khi đó, cần điều trị triệu chứng, khi trẻ sốt có thể cho uống hạ sốt theo hướng dẫn, vệ sinh mũi họng, uống thuốc ho long đờm và theo dõi nếu trẻ có những dấu hiệu nặng cần phải đưa đến cơ sở y tế. Bên cạnh đó, cần chú ý chế độ dinh dưỡng cho bé.

Khi bị bệnh trẻ thường chán ăn, cha mẹ cần chú ý cho bé ăn từng ít một, nhiều bữa, theo dõi dấu hiệu mất nước (như môi khô, không có nước mắt…) để kịp thời bù nước cho bé. Có thể bù nước cho bé bằng oresol, nước canh, nước cháo… Tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh cho trẻ vì có thể khiến bệnh nặng thêm.

Cách phòng bệnh

Để phòng các bệnh viêm đường hô hấp, trước hết cần đảm bảo một đứa trẻ sinh ra khỏe mạnh. Do vậy, cần chăm sóc trẻ ngay từ thời kỳ bào thai, khi mang thai người mẹ cần có một thai kỳ khỏe mạnh, đầy đủ dinh dưỡng để em bé sinh ra có sức đề kháng tốt sẽ ít mắc bệnh hơn.

Đảm bảo nuôi con bằng sữa mẹ, khi trẻ ăn dặm cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, có đủ thành phần protein, lipid, vitamin muối khoáng, tinh bột.

Chú ý chăm sóc giữ ấm cho trẻ, không để quá lạnh vào mùa đông, hoặc quá nóng vào mùa hè. Mùa hè cần chú ý lau mồ hôi để trẻ không bị nhiễm lạnh, vệ sinh mũi họng, súc miệng nước muối, nhỏ mũi hằng ngày cho trẻ.

Tiêm phòng đầy đủ cho trẻ theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Tránh đưa trẻ tới nơi công cộng, tiếp xúc với những người có biểu hiện ho, sốt, sổ mũi.

Theo Đời sống
Cách tránh hạ canxi máu sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm

Hạ canxi máu nguy hiểm thế nào?

Hạ canxi máu là bệnh lý nguy hiểm. Tình trạng hạ canxi máu kéo dài có thể dẫn đến suy tim, động kinh, loạn nhịp tim, lú lẫn, suy giảm trí nhớ, trầm cảm và ảo giác. Bệnh có thể điều trị được nếu phát hiện kịp thời.
back to top