Thiếu máy thận nhân tạo, đáp ứng nhu cầu người bệnh gặp nhiều khó khăn

Khảo sát mới nhất của Hội Lọc máu Việt Nam được công bố tại Hội nghị khoa học lần thứ nhất vừa được tổ chức tại Hà Nội, tại 28 tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ, tổng số bệnh nhân thận nhân tạo là 14.787 người, tỷ lệ bệnh nhân thận nhân tạo/ triệu dân là 308,6±119,9; thấp nhất là ở Lai Châu có 50 bệnh nhân, cao nhất là Hà Nội có 3.701 bệnh nhân.

Hiện tại Việt Nam có khoảng 30.000 người bệnh lọc máu, chiếm 0,031% dân số. Trong khi đó tại 28 tỉnh mới có 155 đơn vị thận nhân tạo với 2.800 máy chạy thận nhân tạo, trong đó gần 50% là máy sử dụng từ 1-5 năm và có đến trên 11% số máy đã chạy được trên 10 năm.

Do số lượng máy thận nhân tạo ít, số bệnh nhân lại đông nên số đơn vị chạy 3 ca/ngày là 91 đơn vị (57,7%); đơn vị chạy 4 ca là 22 đơn vị (14,2%)…

Mặc dù lọc máu chu kỳ đã được thực hiện đến tuyến huyện, tuy nhiên việc đáp ứng nhu cầu người bệnh còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ bao phủ lọc máu còn thấp và không đồng đều (chỉ 34.5% quận, huyện có đơn vị lọc máu; Cơ cấu tổ chức đơn vị lọc máu không nhất quán, phối hợp với nhiều chuyên khoa khác; Không có tính đa dạng về quản lý lọc máu, 100% đơn vị lọc máu nằm trong bệnh viện, chưa có các đơn vị độc lập hoặc vệ tinh…

Theo TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội lọc máu Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Thận-Tiết niệu và Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai, người bệnh lọc máu là một trong những đối tượng có nguy cơ mắc và chịu ảnh hưởng nghiêm trọng hơn khi mắc Covid-19 do nguy cơ diễn biến nặng trên bệnh lý nền, tình trạng suy giảm miễn dịch và thường xuyên tiếp xúc với môi trường bệnh viện.

Báo cáo tình hình COVID-19 tại Đà Nẵng năm 2020 ghi nhận 46 người bệnh lọc máu mắc COVID-19. Trong đó, có 26 người bệnh tử vong (56,5%), riêng tại Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang, tiếp nhận điều trị cho 38 người bệnh lọc máu mắc Covid-19, số người bệnh tử vong là 12 người (31,5%).

Thực tế tại Đà Nẵng cho thấy, nếu được chuẩn bị tốt về điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, đào tạo, tổ chức sàng lọc, phân nhóm người bệnh lọc máu, tổ chức, điều phối hoạt động lọc máu thì chúng ta có thể giảm thiểu được nguy cơ lây nhiễm, hạn chế nguy cơ diễn biến nặng và hạn chế được số người bệnh tử vong.

Trước diễn biến của tình hình dịch COVID-19, Hội Lọc máu Việt Nam khuyến cáo các đơn vị phải chủ động xây dựng mô hình lọc máu tại địa phương cho phù hợp, có sự chuẩn bị về nhân lực, đào tạo, kỹ thuật; trang thiết bị, vật tư y tế… để đáp ứng nhu cầu của người bệnh.

PV

Theo Đời sống
back to top