Thiếu máu, đau bụng cẩn thận u mô đệm đường tiêu hóa

(khoahocdoisong.vn) - Loại u này xuất hiện tại bất kỳ vị trí nào của ống tiêu hóa và được phát hiện dựa trên các triệu chứng như thiếu máu, đau bụng.

Phẫu thuật cho bệnh nhân u GIST tại bệnh viện TƯQĐ 108

2 đường mổ mới lấy được u

PGS.TS Triệu Triều Dương, Viện trưởng Viện Tiêu hóa, Bệnh viện TƯQĐ 108 cho biết, ông đã thực hiện nhiều ca mổ u mô đệm đường tiêu hóa (GIST), trong đó có một khối u GIST “đặc biệt” phải thực hiện cả hai đường mổ: Bụng  và đường hậu môn. Đó là  khối u ở bệnh nhân nam, 57 tuổi (Bắc Giang), nhập viện với triệu chứng đại tiện khó, khuôn phân dẹt có nhầy máu, đau tức vùng hạ vị, người mệt mỏi, gầy, sút cân.

Qua thăm khám và đánh giá trên phim chụp cắt lớp vi tính, các bác sĩ nhận thấy cách mép hậu môn 3cm có khối u GIST khổng lồ trực tràng bề mặt sần sùi, mật độ chắc, chiếm hết lòng trực tràng, không di động. Khối u được lấy ra có kích thước 5,5cm x 13,5cm. Đánh giá trong mổ thấy, toàn bộ tiểu khung là khối u bít chặt (kiểu đúc khuôn), đè đẩy vào niệu quản 2 bên và động mạch chậu.

PGS.TS Triệu Triều Dương cho biết, u mô đệm đường tiêu hóa là một loại sarcoma. Sarcoma là ung thư của các mô liên kết và xương. Khối u GIST có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào của ống tiêu hóa và phân bố ở dạ dày là 60-70%; ở tá tràng- ruột non là 20-30%, đại trực tràng 5% và thực quản và phần khác là dưới 5%. Nguyên nhân chính xác của các khối u mô đệm đường tiêu hóa hiện chưa được biết rõ, mặc dù những khối u này có liên quan đến các yếu tố nguy cơ như độ tuổi, giới tính, di truyền, lối sống sinh hoạt... 

Theo PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc bệnh viện K, độ tuổi phổ biến thường xuất hiện khối u mô đệm đường tiêu hóa là từ 50-80 tuổi nhưng thực tế cũng đã có những bệnh nhân dưới 40 tuổi bị u GIST. Một số người có các bất thường về gen bẩm sinh (gen KIT), di truyền từ cha mẹ cho con cái làm tăng nguy cơ mắc các khối u GIST. Ở những thế hệ sau trong gia đình, khối u mô đệm đường tiêu hóa có thể sẽ xuất hiện ở độ tuổi trẻ hơn. Những người mắc phải tình trạng này có thể sẽ phát triển rất nhiều khối u GIST trong suốt cả cuộc đời.

Phẫu thuật kịp thời sẽ khỏi bệnh

Các chuyên gia tiêu hóa cho biết, biểu hiện ban đầu của u GIST rất dễ bị bỏ qua đó là tình trạng đau bụng hoặc khó chịu ở bụng. Dần dần triệu chứng bệnh sẽ phụ thuộc vào kích thước khối u cũng như vị trí mà khối u phát triển. Vì lý do này, triệu chứng thường có mức độ nghiêm trọng rất khác nhau giữa mọi người. Chẳng hạn như: Có máu trong phân; Đau hoặc khó chịu ở bụng; Buồn nôn và nôn mửa; Bất thường về cấu trúc đường ruột; Có khối u ở bụng mà bạn có thể sờ thấy được; Mệt mỏi hoặc cảm thấy suy nhược; Đầy bụng sau khi mới ăn một lượng nhỏ thức ăn; Đau hoặc gặp khó khăn khi nuốt... Có những khối u GIST hoại tử gây loét dẫn đến có máu trong phân, nôn ra máu hoặc thiếu máu...

Khối u mô đệm đường tiêu hóa khởi phát tại đường tiêu hóa và có thể phát triển, gây ảnh hưởng đến các cơ quan, hoặc cấu trúc gần đó. Khối u cũng có thể lan sang các hạch bạch huyết và các cơ quan khác ở xa hơn trong cơ thể.

Các chuyên gia cho biết, u GIST nếu được phát hiện sớm, khi khối u chưa lan sang các phần khác của cơ thể, phẫu thuật  loại bỏ toàn bộ khối u và các mô xung quanh kết hợp với hóa trị và trị liệu đích thì có thể chữa khỏi căn bệnh này. Nếu không điều trị kịp thời thì Gist cũng có thể gây tử vong.

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top