Độ chính xác cao, hỗ trợ điều trị tốt
Theo ước tính có khoảng 30% bệnh nhân chẩn đoán ung thư phổi nguyên phát có kèm theo tổn thương đường thở. Hẹp khí quản gây khó thở nặng, có thể tử vong còn tắc nghẽn các nhánh phế quản có thể gây ra ho khó kiểm soát và khó thở do chất tiết ứ đọng và nhiễm trùng tái diễn. Trong điều trị ung thư phổi, nội soi phế quản góp phần giải quyết tắc nghẽn đường thở và ho ra máu, giảm nhẹ, cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Siêu âm nội soi là kỹ thuật nội soi phế quản sử dụng siêu âm để đánh giá các cấu trúc bên trong và xung quanh thành phế quản cũng như phổi. Theo ThS.BS Nguyễn Lê Nhật Minh, Trưởng khoa Nội soi chẩn đoán, BV Phổi T.Ư, độ nhạy và giá trị dự đoán của siêu âm nội soi sinh thiết hạch trung thất trong chẩn đoán giai đoạn u hạch trung thất của ung thư phổi là 89% và 91%. Kỹ thuật được chỉ định cho tổn thương u, hạch trung thất; tổn thương phổi, đám mờ, nốt mờ ngoại vi không quan sát thấy khi nội soi phế quản thông thường. Kỹ thuật giúp đưa ống đi đến tận cùng tổn thương để chẩn đoán chính xác tổn thương.
Theo các chuyên gia, điểm mạnh của siêu âm nội soi là một xâm lấn tối thiểu, cho phép lấy mẫu hạch trung thất và các nốt nhỏ hơn 10mm hoặc lấy gần các mạch máu lớn mà không có nguy cơ chọc hút vào mạch máu, quy trình an toàn. Tuy nhiên, kỹ thuật này chỉ thực hiện được ở cơ sở y tế có chuyên môn cao, có thể phân tích được hình ảnh nội soi siêu âm và hình ảnh vi thể, mẫu bệnh phẩm lấy được nhỏ. Tại BV Phổi TƯ, các bác sĩ thực hiện 2 loại siêu âm nội soi là siêu âm đầu dò xuyên tâm và siêu âm thăm dò áp sát.
Siêu âm đầu dò xuyên tâm thường có độ phân giải cao hơn siêu âm thăm dò áp sát. Nhìn chung, siêu âm nội soi là kỹ thuật an toàn, các biến chứng hay xảy ra là kích thích, ho, thiếu oxy, chấn thương thanh quản, sốt, chảy máu, tràn khí màng phổi. Theo ThS.BS Nguyễn Lê Nhật Minh, nội soi phế quản can thiệp giúp điều trị và giảm nhẹ khối u, nâng cao chất lượng cuộc sống. Để chẩn đoán và điều trị bệnh, tùy tình trạng bệnh, các dạng tổn thương mà bác sĩ sử dụng nội soi phế quản ống mềm hoặc ống cứng, các phương pháp điều trị như điện đông cao tần, áp lạnh, laser, nong và đặt stent…
Những kỹ thuật mới nhất
Điện đông cao tần là sử dụng dòng điện xoay chiều thông qua đầu dò, thòng lọng hoặc dao để cầm máu, cắt hoặc bốc hơi khối u. Biến chứng có thể xảy ra là chảy máu, bỏng đường thở, sẹo hẹp, mềm khí phế quản.
Phương pháp áp lạnh được thực hiện với nội soi phế quản ống cứng hoặc mềm, phá hủy tổn thương bằng nhiệt độ thấp, gây đông nhanh, giã đông chậm, độ lạnh từ -20 đến -400C. Phương pháp này chỉ định điều trị giảm nhẹ ở bệnh nhân có khối u ác tính gây tắc nghẽn trong lòng phế quản. Ưu điểm của phương pháp là không phá vỡ cấu trúc mô, có thể làm xét nghiệm mô bệnh học sau đó.
Phương pháp laser được sử dụng rộng trong nội soi phế quản, giúp bốc hơi và đông máu, làm kín các mạch máu nhỏ khi khối u co lại. Chỉ định đối với phương pháp này là các khối u bít tắc đường thở chính, chống chỉ định đối với các chèn ép từ bên ngoài.
Phương pháp stent là giải pháp quan trọng chỉ thực hiện đối với bệnh nhân bị tắc nghẽn đường thở lớn do chèn ép từ bên ngoài hoặc hỗn hợp.
Theo BS. Nguyễn Lê Nhật Minh, nội soi điều trị ung thư phổi là phương pháp điều trị giảm nhẹ, hỗ trợ xạ trị, hóa chất, đích…trong phối hợp điều trị ung thư phổi nhằm nâng cao hiệu quả điều trị và kéo dài thời gian sống thêm sau điều trị của người bệnh.