TS.BS Phan Hướng Dương, Phó giám đốc BV Nội tiết T.Ư cho biết, điều tra của Bệnh viện nội tiết TƯ vào năm 2013 – 2014, tỷ lệ trẻ em bị bướu cổ từ 8 - 10 tuổi đã tăng lên 9,8% và mức trung vị iốt niệu là 84mg/lít, thấp hơn so với tiêu chuẩn. Chính vì vậy, Bệnh viện Nội tiết T.Ư đã báo cáo Chính phủ để đưa trở lại hoạt động phòng chống các rối loạn sử dụng iốt thành Chương trình mục tiêu y tế giai đoạn 2016-2020, và đặc biệt quy định trong Nghị định 09. Nhờ Nghị định 09, năm 2018, mức trung vị iốt niệu đã tăng lên tới 97mg/lít, đây là thành công rất lớn.
Thực tế cho thấy, hiện nay tỷ lệ người dùng iốt ở hộ gia đình chưa cao, chỉ chiếm 76%, vì vậy cần đa dạng hóa các sản phẩm thực phẩm chứa iốt. Theo các chuyên gia, iốt là 1 loại vi khoáng chất rất quan trọng, giúp cho cơ thể tổng hợp hormone tuyến giáp là thyroxine (T4) và Triiodothyronine (T3). Đây là 2 hormon làm nhiệm vụ trao đổi chất điều chỉnh quá trình phát triển của hệ thần kinh trung ương, phát triển hệ sinh dục và các bộ phận khác như tim mạch, tiêu hóa, da, lông, tóc, duy trì năng lượng cho cơ thể hoạt động, giúp cơ thể tồn tại và phát triển. Thiếu iốt cơ thể sẽ không tổng hợp được các loại hormon này. Nếu tình trạng thiếu hụt iốt kéo dài sẽ bị bệnh bướu cổ đơn thuần, đối với trẻ em dễ bị thiểu năng trí tuệ, với phụ nữ có thai dễ bị sẩy thai hoặc sinh non. Việc sử dụng đầy đủ iốt là yếu tố căn bản để phát triển đầy đủ về mặt trí tuệ và thể chất.
Nhu cầu iốt của cơ thể khác nhau theo tuổi và giai đoạn sinh lý, nhu cầu cao nhất ở phụ nữ có thai, nuôi con, người trưởng thành, trẻ em dậy thì; nhu cầu thấp hơn ở trẻ nhỏ và người già. Đối với trẻ nhỏ từ 0 - 6 tháng nhu cầu iốt cần 40mcg; Trẻ từ 6 - 12 tháng cần 50mcg; Trẻ từ 1 - 3 tuổi cần 70mcg; Trẻ từ 4 - 9 tuổi cần 120mcg; Trẻ từ 10 - 12 tuổi cần 140mcg; Trẻ từ 14 tuổi đến khi trưởng thành là 150mcg/ngày. Theo các chuyên gia, trong tự nhiên, iốt có nhiều trong các loại thực phẩm như các loại tảo (rong) và các loại cá biển, các loại rau củ như rau dền, cải xoong, khoai tây, thịt động vật và sữa… Hến là nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cực cao, có hàm lượng calo thấp nhưng chứa rất nhiều đặc tính dinh dưỡng như vitamin, axit amin và khoáng chất. Hến đặc biệt giàu iốt ngoài ra thịt gà cũng là thực phẩm giúp bổ sung iốt hữu hiệu. ở vùng ven biển, có thể chế biến cá biển, tôm cho trẻ. Các động vật có vỏ và hải sản là nguồn iốt tuyệt vời. Một trong những nguồn cung cấp iốt tốt nhất từ đại dương chính là tôm vì chúng có khả năng cung cấp 35 mcg/100g. Tuy nhiên, dễ nhất vẫn là bổ sung iốt thông qua sử dụng muối chứa iốt vì muối rẻ tiền, dùng lượng ít nhưng vẫn đủ bù đắp thiếu hụt.
Hương Lan