Thi vào lớp 10: Học lịch sử là học cách tư duy lịch sử

(khoahocdoisong.vn) - Để Lịch sử trở thành môn học có ý nghĩa với người học, giáo viên phải giúp học sinh hình thành tư duy lịch sử và vận dụng tư duy lịch sử vào cuộc sống.

Hà Nội: Lịch sử là môn thi thứ tư kỳ thi vào lớp 10 THPT

Khi Sở GD&ĐT Hà Nội công bố các môn thi vào lớp 10 THPT năm học 2021 - 2022 với môn thi thứ tư là môn Lịch sử, không ít ý kiến bày tỏ sự ngỡ ngàng và bất ngờ.

Điều này có thể bắt nguồn từ suy nghĩ chủ quan về môn thi thứ tư. Ngoài ba môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ, dường như có một sự hiểu ngầm rằng môn thứ tư sẽ xoay vòng giữa các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân, Vật lí, Hóa học, Sinh học.

Tính từ năm 2019 đến 2021, môn Lịch sử vừa được lựa chọn 2 lần trong 6 môn đã kể trên, việc dạy và học môn Lịch sử lại trở thành chủ đề “sốt xình xịch” trong các chủ đề về giáo dục, nhà trường, dạy học, chọn trường cho con, và trong các bữa cơm gia đình có con học lớp 9.

Lần thi này, đề thi môn Lịch sử nằm trong phạm vi kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình hiện hành (hiện hành ở đây là chương trình 2006), theo hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GD&ĐT ban hành tại công văn 3280/BGDĐT-GDTrH ngày 27/8/2020 và của Sở GD&ĐT Hà Nội ban hành tại công văn 2786/SGDĐT-GDPT ngày 3/9/2020, nội dung chủ yếu nằm trong Chương trình lớp 9 THCS.

Yêu cầu về cấp độ nhận thức chủ yếu ở mức nhận biết, thông hiểu và một số câu ở cấp độ vận dụng. Hình thức thi trắc nghiệm trong 60 phút cũng ít nhiều giúp học sinh có thể hoàn thành bài thi, dù không chắc chắn đúng/ sai nhưng không đến mức để giấy trắng như thi tự luận.

Trên thực tế, trong kỳ thi vào lớp 10 THPT năm 2019 - 2020, môn Lịch sử là môn có số bài thi điểm trên trung bình là cao nhất trong các môn (với 75.703 bài, chiếm đến 89,08% tổng số bài thi của môn này), vượt trên các môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ.

Như vậy, trên thực tế, việc thi môn Lịch sử với học sinh lớp 9 vào 10 năm học 2021 - 2022, không phải vần đề đáng lo ngại đối với học sinh (ngoại trừ trường hợp vì đoán định không thi Lịch sử mà không dạy và không học đến nơi đến chốn.)

Tại sao lại đặt vấn đề về học cách tư duy Lịch sử?

Nhiều năm trở lại đây, cách dạy và học ở trường phổ thông đã có nhiều thay đổi. Đối với môn Lịch sử, sự thay đổi có thể nhận ra đó là việc “giảm tải” một số nội dung kiến thức và cách dạy lịch sử. Giờ học lịch sử được thầy cô chú trọng hơn đến các cung cấp tư liệu hình ảnh, đưa vào các trò chơi, làm các bài tập, thuyết trình hay tổ chức các dự án học tập. Đó là những thay đổi tích cực, nhìn từ hình thức và phương pháp tổ chức dạy học.

Với yêu cầu “chủ yếu ở mức nhận biết, thông hiểu và một số câu ở cấp độ vận dụng”, đề thi sẽ không có nhiều thay đổi so với những năm trước.

Mức độ nhận biết, thí sinh chỉ cần nhận diện (nhớ) được sự kiện nào, diễn ra ở đâu, vào thời gian nào, ai làm gì, ở đâu. Mức độ thông hiểu đối đối với bài trắc nghiệm lớp 9 đòi hỏi cao hơn một chút so với nhận biết, như là giải thích nguyên nhân bùng nổ của một sự kiện, hiện tượng, giải thích ý nghĩa của sự kiện, so sánh điểm giống nhau giữa hai hay nhiều hơn các sự kiện, hiện tượng hay nhân vật lịch sử.

Một số câu vận dụng yêu cầu thí sinh nhận ra mối liên hệ kết nối sự kiện xảy ra trước với sự kiện xảy ra sau, hoặc sự kiện trong sách giáo khoa với thực tế hiện nay, ví như vị thế của Việt Nam trong ASEAN, áp dụng nguyên tắc nào của Liên hợp quốc vào giải quyết vấn đề tranh chấp trên Biển Đông.

Cho dù phân chia ra nhiều cấp độ như vậy, thực tế, kiến thức để làm bài thi hầu hết đã có trong sách giáo khoa, kể cả các câu hỏi ở cấp độ thông hiểu hay vận dụng. Giáo viên thường chu đáo chuẩn bị sẵn đề cương và phát cho học sinh, vì thế, học sinh chỉ cần và thường dùng cách học thuộc lòng đề cương. Để ghi nhớ và luyện tập, học sinh sẽ được lặp đi lặp lại các dạng câu hỏi và làm đề để làm nhiều cho nhớ. Khi chữa bài, giáo viên sẽ nhắc cho học sinh ghi nhớ những mẹo để có khả năng chọn câu hỏi đúng sẽ cao hơn khi làm bài thi trắc nghiệm.

Mặc dù đề thi theo chuẩn kiến thức, kỹ năng nhưng kiểm tra kiến thức là chủ yếu, và chỉ trong giới hạn điều chỉnh giảm tải, hầu như không thấy đánh giá kỹ năng tư duy lịch sử. Với cách làm này, học sinh không cần quá nhiều thời gian, trí lực để học và thi Lịch sử. Các đề thi cho phép thí sinh huy động trí nhớ ngắn hạn để đạt mục tiêu của một kỳ thi. Sau kỳ thi, kiến thức lịch sử ghi nhớ tạm thời sẽ mất đi, bao giờ cần thi, lại học thuộc lòng đề cương. Cứ thế, học sinh lặp lại cái vòng luẩn quẩn suốt 12 năm phổ thông và có thể là 4 năm học đại học, rốt cuộc, vẫn không hề biết lịch sử là gì và làm thế nào để tư duy lịch sử.

Để Lịch sử là môn học có ý nghĩa với người học, không phải cứ đưa Lịch sử là môn học bắt buộc hay môn thi bắt buộc, mà giáo viên Lịch sử phải là giúp cho người học hình thành tư duy lịch sử và vận dụng tư duy lịch sử vào cuộc sống.

Theo KH&ĐS
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top