Sáng nay (7/8), các thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 đợt 2 làm bài thi tổ hợp Khoa học xã hội. Trong đó, bài thi thành phần Giáo dục công dân gồm 40 câu hỏi trắc nghiệm, thí sinh có 50 phút để hoàn thành bài thi.
Đánh giá về đề thi môn Giáo dục công dân đợt 2, thầy Trần Văn Năng, giáo viên tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho rằng, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 2 môn Giáo dục công dân bám sát ma trận đề tham khảo của Bộ GD-ĐT đã công bố và đề thi chính thức đợt 1. Tuy nhiên đề đợt 2 có phần dễ hơn đề đợt 1 và đề tham khảo. Các câu hỏi nhận biết và thông hiểu chiếm tỉ lệ lớn trong đề thi.
Cụ thể, đề thi đợt 2 có 32 câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu, chiếm 80% số lượng câu hỏi của đề. Ở vùng câu hỏi này, phương án trả lời có độ nhiễu không cao, thí sinh chỉ cần nắm được kiến thức cơ bản sẽ nhận ra ngay đáp án đúng.
5 câu hỏi ở mức độ vận dụng, xuất hiện ở bài 1 và bài 5, chiếm 12.5% số lượng câu hỏi. Phần lớn là những câu hỏi tình huống đơn giản, học sinh chỉ cần vận dụng kiến thức ở mức độ cơ bản là trả lời được.
3 câu hỏi ở mức độ vận dụng cao, chiếm tỉ lệ 7.5%. Mặc dù số lượng câu hỏi ít nhưng đều là những tình huống phức tạp, dài, có độ nhiễu cao. Tuy nhiên đây lại là những dạng bài quen thuộc, thí sinh có thể đã được các thầy cô luyện đi luyện lại nhiều lần.
"Đề thi tốt nghiệp THPT môn Giáo dục công dân năm 2021 đợt 2 tương đối vừa sức, phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện tại và đi theo mục tiêu chính là xét công nhận tốt nghiệp cho học sinh", thầy Năng đánh giá.
Còn theo cô Phạm Thanh Huyền, Trường THPT Hoàng Cầu, Hà Nội, cấu trúc đề thi lần 2 tương tự với đề thi lần 1 và phù hợp với đề thi minh hoạ của Bộ. Nội dung kiến thức cơ bản, nằm chủ yếu trong chương trình lớp 12 (36 câu), lớp 11 (4 câu- mức độ kiến thức nhận biết, thông hiểu).
Học sinh chỉ cần nắm chắc phần kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa là có thể dễ dàng đạt điểm 8,9 thậm chí điểm 10. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan và dịch bệnh, tỷ lệ điểm 10 có thể không nhiều như đợt 1.
Đề có nhiều câu hỏi tình huống dài, nhưng không khó, học sinh chỉ cần cẩn thận đọc đề là có thể làm được. Yêu cầu của câu hỏi tình huống không khó, vì đặc thù của kiến thức pháp luật là kiến thức rất rõ ràng. Với câu vận dụng, người ra đề buộc phải xây dựng những câu đề dẫn nhiều tình tiết nhằm gây nhiễu, nên nếu học sinh không đọc kĩ đề, phân tích từng hành vi của các nhân vật, không nắm chắc các đơn vị kiến thức thì dễ bỏ sót dữ kiện dẫn đến sẽ lựa chọn sai đáp án.
Cô Nguyễn Thị Nguyên, Trường THPT Quế Võ số 3, Bắc Ninh cũng cho rằng, phần lớn kiến thức của đề thi tập trung vào chương trình lớp 12, phần kiến thức lớp 11 chỉ tập trung vào 3 bài đầu học kỳ 1. Các câu hỏi nhận biết và thông hiểu khá cơ bản, các câu tình huống gần gũi với thực tế cuộc sống, mang tính thời sự, tuyên truyền ý thức phòng chống dịch Covid-19. Câu hỏi dễ và trung bình chiếm khoảng 75%, có một số câu hỏi khó phân hóa được học sinh.
Theo đánh giá của cô Nguyễn Thị Nguyên, đề thi lần này vừa sức với học sinh, phù hợp cho học sinh xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển ĐH trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, việc học gặp nhiều khó khăn.
Với đề thi Giáo dục công dân đợt 2, cô Nguyên dự đoán, mức điểm trung bình nhiều thí sinh đạt được là trên 8 điểm. Những thí sinh nắm chắc kiến thức và làm bài cẩn thận có thể đạt 10 điểm./.