Thanh tra Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: Đụng đâu sai đó?

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo kết luận thanh tra số 638/TB-KLTT về công tác quản lý tài chính, tài sản công, thực hiện các dự án đầu tư; tổ chức hợp tác nghiên cứu, đào tạo, liên kết đào tạo và cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giai đoạn 2015 - 2019. Nhiều sai phạm tại Viện được chỉ rõ.

Nghiệm thu đề tài “như máy”?

Theo kết luận thanh tra, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ban hành các quy chế quản lý khoa học nhưng nội dung có nhiều điểm bất cập, không hợp lý, dẫn đến các đơn vị cấp dưới không tiếp thu kịp thời, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. Quy trình thực hiện nhiều đề tài không đúng quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và quy chế quản lý khoa học.

vien-han-lam.png
Theo Thanh tra Chính phủ, nhiều đơn vị thuộc Viện Hàn lâm KHXH đều có sai phạm, khuyết điểm.

Cụ thể, trong 7 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị và của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhưng được phê duyệt dưới dạng đề tài cấp cơ sở, cấp bộ và bố trí kinh phí để thực hiện không hợp lý; có 3 đề tài, nhiệm vụ không có đóng góp về khoa học cho xã hội; 37 đề tài, nhiệm vụ cấp bộ do văn phòng chủ trì chưa được tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở trước khi nghiệm thu cấp bộ; 18 đề tài, nhiệm vụ cấp bộ nhưng không nghiệm thu cấp bộ; 29 đề tài, nhiệm vụ trùng thời gian; 30 hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học cấp bộ không đúng thành phần; 55 đề tài, nhiệm vụ khoa học cấp bộ được giao cho cá nhân ngoài đơn vị chủ trì; 67 hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở nhiệm vụ khoa học cấp bộ của các đơn vị, căn cứ vào các quy chế quản lý khoa học do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội ban hành đã hết hiệu lực; 191 hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở không đúng thành phần; 75 đề tài, nhiệm vụ nghiệm thu chậm tiến độ.

Kết luận thanh tra còn cho biết, nhiều đề tài, nhiệm vụ cấp cơ sở, chủ nhiệm đề tài sử dụng lại một phần, có đề tài sử dụng lại nhiều nội dung của đề tài, nhiệm vụ đã được nghiên cứu trước (cùng chủ nhiệm) không đúng quy chế quản lý khoa học, xảy ra ở phần lớn các đơn vị được thanh tra.

Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ nhiều tình trạng nghiệm thu đề tài khoa học cấp cơ sở bất thường trong cùng một ngày tại một số đơn vị thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Tình trạng này chưa hợp lý, dẫn đến chất lượng công tác nghiệm thu không đảm bảo.

Trong đó, tại Viện Nghiên cứu châu Âu, chỉ với một hội đồng nghiệm thu 18 đề tài vào ngày 6/12/2016, 18 đề tài trong ngày 12/12/2017, 16 đề tài vào ngày 5/12/2018 và 15 đề tài vào ngày 25/11/2019.

Tại Viện Ngôn ngữ học, chỉ với 2 hội đồng nghiệm thu đã nghiệm thu 13 đề tài vào ngày 17/12/2018 và 22 đề tài trong ngày 19/11/2019.

Tại Viện Sử học đã nghiệm thu 7 đề tài trong vòng 1 buổi chiều ngày 13/1/2019 và 11 đề tài trong ngày 15/11/2019 chỉ với 2 hội đồng khoa học.

Trách nhiệm thuộc lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phụ trách lĩnh vực nghiên cứu khoa học; Ban Quản lý Khoa học và các đơn vị trực thuộc có khuyết điểm, sai phạm trong thời kỳ 2015 – 2019.

Lãng phí ngân sách, vi phạm Luật Quản lý sử dụng tài sản công

Không chỉ dừng ở công tác đào tạo, kết luận của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm, khuyết điểm gây lãng phí ngân sách Nhà nước cần phải được khắc phục chấn chỉnh và xem xét trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan.

Cụ thể, lãng phí trong in ấn tạp chí, nội dung này Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, Ban Kế hoạch - Tài chính, Ban Tổ chức cán bộ không tổng kết, đánh giá hiệu quả mô hình tổ chức, hoạt động tài chính của các tạp chí theo quy chế tổ chức và hoạt động của các tạp chí. Nội dung quy chế hoạt động còn bất cập, không tiết kiệm ngân sách Nhà nước. Các đơn vị để tồn số lượng lớn tạp chí, gây lãng phí ngân sách Nhà nước số tiền trên 7,5 tỷ đồng.

Trong 5 năm, số lượng tạp chí tồn kho của 33 đơn vị lên tới 104.811 cuốn (trong đó, tiếng Việt 92.959 cuốn, tiếng Anh 11.852 cuốn), lãng phí.

Cá biệt, có đơn vị để tồn kho số lượng lớn tạp chí gồm: Tạp chí Triết học tồn 10.742 cuốn, Đông Nam Á 8.174 cuốn, Châu Phi và Trung Đông 6.381 cuốn, Hán Nôm 6.868 cuốn…; Tạp chí Tiếng Anh (Tạp chí Tôn giáo in 1.850 cuốn, tồn 1.084 cuốn; Tạp chí Triết học in 4.000 cuốn, tồn 2.358 cuốn; Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội in 2.000 cuốn, tồn 840 cuốn). Bên cạnh đó, trong quá trình thanh tra, Thanh tra Chính phủ còn chỉ ra giai đoạn 2015 - 2019, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam còn nhiều hạn chế, khuyết điểm trong công tác quản lý, sử dụng tài sản công.

Nguyên nhân được chỉ ra là do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chậm ban hành Quy chế quản lý và sử dụng tài sản công, không phê duyệt Quy chế phối hợp sử dụng chung trụ sở làm việc. Điều này dẫn đến các đơn vị trực thuộc thực hiện không đầy đủ các quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Văn phòng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam không xây dựng phương án sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà, đất được giao quản lý, dẫn đến có 20 cơ sở nhà, đất chưa có phương án sắp xếp, chưa được phê duyệt sắp xếp và chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Không chỉ vậy, một số cơ sở nhà đất có tranh chấp chưa được giải quyết; 8 cơ sở nhà đất không sử dụng, sử dụng không hiệu quả trong thời gian dài phải được trả lại Nhà nước theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Đáng chú ý, Bảo tàng Dân tộc học, Văn phòng, Nhà Xuất bản Khoa học xã hội cho các tổ chức, cá nhân thuê cơ sở nhà, đất và liên doanh, liên kết trong thời gian dài nhưng không lập đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê; không thực hiện đấu giá, không thực hiện trích khấu hao tài sản; không thông báo công khai giá cho thuê…

Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ tùy tiện cho doanh nghiệp sử dụng 10.000m2 đất không có hợp đồng, vi phạm Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.

Ngoài ra, Việc quản lý tài chính còn nhiều khuyết điểm, vi phạm như chi phụ cấp không đúng quy định số tiền 750,45 triệu đồng; sử dụng ngân sách Nhà nước chi tiền lương cho hợp đồng ngoài biên chế hơn 1,2 tỷ đồng; kê khai thiếu số tiền thuế phải nộp hơn 1 nghìn tỷ đồng…

Cuối năm 2017, Thanh tra Bộ GD&ĐT cũng đã có kết luận thanh tra việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại Học viện Khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam với nhiều số liệu và tình hình đáng lo ngại. Trong đó, tại một thời điểm, dù chỉ tiêu đào tạo dưới 100 người nhưng đơn vị này đã đăng ký đào tạo hàng ngàn chỉ tiêu giáo sư, tiến sĩ và thạc sĩ.

Trong hoạt động đào tạo, có người được giao hướng dẫn tới 44 học viên, gồm 29 học viên ngành luật, 10 học viên ngành chính sách công, 5 học viên ngành công tác xã hội. Có người được giao hướng dẫn 18, 11, 10 hoặc 9 người. Nhiều trường hợp hướng dẫn nghiên cứu sinh không đúng với chuyên môn, như tiến sĩ ngành kinh tế nhưng được phân công hướng dẫn nghiên cứu sinh chuyên ngành quản lý giáo dục…

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top