Thân Nhân Trung và câu nói “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” – kỳ 3: Phải có chính sách với người tài

Phải có chính sách với người tài nếu đất nước muốn phồn thịnh, quan điểm đó của Thân Nhân Trung thể hiện qua câu nói: “Nhân tài phồn thịnh vốn có quan hệ đến khí hóa của trời đất và ở cái gốc giáo hóa của thánh nhân”.

Đền thờ Thân Nhân Trung.

Hiền tài là cả tài năng và đức hạnh

Nước Đại Việt không thể tồn tại và phát triển nếu nhân dân ta không trở thành nhân dân một nước có văn hiến. Nền văn hiến ấy chứa hai nhân tố cơ bản đó là nền tảng văn hóa của toàn thể nhân dân và sự xuất hiện của những người tài năng đức độ.

Hiền tài là người có cả tài năng và đức hạnh, đem hết tài năng và đức hạnh ấy phục vụ cho đất nước. Theo Thân Nhân Trung, đó là người “lấy trung nghĩa mà rèn cho danh thực hợp nhau, thực hành điều sở học, làm nên sự nghiệp vĩ đại sáng ngời, khiến cho mọi người đời sau kính trọng thanh danh, mến mộ khí tiết may ra trên không phụ lòng nhân dưỡng dục của triều đình, dưới không phụ công phu học tập thường nhật” (văn bia 1487).

Làm thế nào để có những bậc hiền tài? Trước hết theo Thân Nhân Trung, phải có một hoàn cảnh khách quan thuận lợi. Ông nói: “Nhân tài phồn thịnh vốn có quan hệ đến khí hóa của trời đất và ở cái gốc giáo hóa của thánh nhân (văn bia 1487)”.

Có khí hóa của trời đất là nói hoàn cảnh thịnh trị của đất nước, trong đó mọi sự vật đều phát triển tốt đẹp. Theo Thân Nhân Trung đó là thời đại Lê Thánh Tông.

Có sự giáo hóa của thánh nhân là nói tới sự quan tâm của nhà vua. Ngoài việc thường xuyên theo dõi việc giảng dạy và học tập tại Quốc Tử Giám, đến việc tuyên bố kết quả thi, nhà vua tổ chức một buổi lễ quan trọng.

Vua ngự điện Kính Thiên, trăm quan mặc triều phục chức mừng. Ngoài việc đãi ngộ đầy đủ vật chất và tinh thần theo như lệ cũ, nhà vua còn cho rằng việc lớn lao đẹp đẽ tuy lừng lẫy vang dội một thời nhưng lời khen tiếng thơm chưa đủ để truyền lại muôn đời. Vua truyền lệnh dựng bia khắc tên những người thi đỗ và đặt ở Quốc Tử Giám.

Lợi ích của việc khắc tên trên bia đá

Thân Nhân Trung phân tích việc khắc tên trên bia đá. Trước hết, kẻ sĩ chốn trường ốc lều tranh, số phận nhỏ bé mà được triều đình đề cao như vậy thì cái chí của họ và lòng tự trọng khiến họ phải hết lòng báo đáp.

Trong số kẻ sĩ ấy cũng có người vì hối lộ mà hư hỏng, mà sa ngã với bọn gian ác, là bởi lúc họ sống chưa được nhìn thấy tấm bia đá trinh bạch này thôi!

Thế thì việc dựng tấm bia đá này, ích lợi biết chừng nào. Kẻ ác lấy đó làm răn, người thiện theo đó mà gắng sức. Làm sáng tỏ những điều đã qua, mở rộng dạy bảo cho hậu thế: một là để dài mãi tư chất danh tiết cho kẻ sĩ, hai là củng cố sự bền vững của quốc gia.

Với hai tấm bia đá ngắn gọn, Thân Nhân Trung đã để lại cho đời sau những ý kiến vô cùng sâu sắc về vai trò của người trí thức về chính sách đối với hiền tài, nhắc tới đời sau một chân lý lịch sử: “Kẻ sĩ có mối quan hệ thật là quan trọng đối với sự phát triển của đất nước” (bia 1484).

Hai tấm bia nói trên vẫn tồn tại ở Văn Miếu, vẫn thường xuyên nhắc nhở các triều đại về sau là mỗi đất nước phồn thịnh phải có chính sách đối với người tài, bởi “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”.

         Trịnh Dương

Theo Đời sống
back to top