Tết vẹn nguyên trong tâm thức người Việt xa quê

Cảm giác xúc động khi nhớ về Tết xưa và mong nhớ không khí đón Tết, quây quần cùng gia đình chuẩn bị những món ăn, trang trí nhà cửa... là điểm chung của những người Việt khi đón Tết cổ truyền ở nước ngoài.

Đón Tết Nguyên đán 2024 ở phương xa, một số kiều bào, du học sinh đã có những chia sẻ với PV Khoa học & Đời sống về những cảm xúc khi ăn Tết xa quê, kế hoạch của họ trong Tết Giáp Thìn và những lời chúc cho năm mới.

Chị Lê Thị Hằng (Thành phố Antwerp, Bỉ): Không thể quên cảm xúc lần đầu tiên đón Tết xa quê

Gia đình chị Lê Thị Hằng chụp ảnh tại Đại sứ quán Việt Nam tại Vương Quốc Bỉ.

Đã có 13 năm đón Tết cổ truyền trên đất nước Bỉ và năm nay là cái Tết thứ 14 xa quê, nhưng vợ chồng mình vẫn không thể quên cảm xúc lần đầu tiên đón Tết cổ truyền ở nước ngoài.

Khi đó mọi thứ còn thiếu thốn, 2 vợ chồng lên mạng tìm cách hướng dẫn gói bánh chưng bằng lá chuối. Cũng vì không có khuôn gỗ nên chúng tôi dùng khuôn giấy và dùng dây gói quà thay cho lạt để buộc bánh, rồi luộc trên bếp điện cho tới nửa đêm. Cuối cùng, hai vợ chồng cũng có một mẻ bánh chưng lần đầu trong đời tự tay làm từ A-Z.

Sau này, khi cuộc sống đã sung túc hơn, chúng tôi chuẩn bị việc gói bánh chưng sớm hơn, đặt khuôn gỗ, lá dong cùng nhiều nguyên liệu khác, bên cạnh đó cùng nhiều gia đình Việt khác trong Tổng hội người Việt Nam tại Bỉ quây quần cùng nhau lau lá, gói bánh và thưởng thức món bánh không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền của người Việt.

Gia đình chị Lê Thị Hằng và bạn bè cùng gói bánh chưng nhân dịp Tết cổ truyền.

Tết âm lịch của người Việt thường diễn rasau Noel và Tết Tây, cuộc sống trở lại nhịp sống thường ngày, người lớn đi làm, trẻ con đi học. Tuy vậy, nhà mình vẫn sắp xếp để chuẩn bị đón Tết cùng với bà con người Việt Nam sinh sống, làm việc tại Bỉ.

Thường vào khoảng thời gian 23 tháng Chạp, gia đình mình sẽ gói bánh chưng cùng với bạn bè thân thiết. Làm một mâm cúng nhỏ để thắp hương Tết ông Công ông Táo như ở Việt Nam. Ngày 30 Tết âm lịch, gia đình mình cũng cố gắng làm một mâm cỗ Tất niên. Năm nào điều kiện thời tiết thuận lợi hay có thể sắp xếp được thời gian, sẽ mời bạn bè tới nhà, hoặc tới thăm nhà bạn bè như chuyến xuất hành đầu năm. Gia đình mình cũng giữ truyền thống lì xì cho các bé vào ngày đầu tiên của năm mới và giải thích cho các con về ý nghĩa của các nét văn hoá cổ truyền vào dịp Tết; dạy cho các con những câu chúc năm mới để các bé chúc ông bà nội ngoại, các cô chú bác và anh chị họ hàng. Nhờ vậy, các bé cũng hiểu hơn về những nét văn hoá của người Việt và gia đình vào dịp Tết.

Gia đình mình cả ông bà nội và ngoại cũng như anh chị em đều sống ở Việt Nam. Vậy nên, 2 vợ chồng mình đều nhất trí các con phải biết nói tiếng Việt. Ngoài ra, trong các câu chuyện cùng con hàng ngày, vợ chồng mình đều kể cho các con nghe những câu chuyện về văn hoá, tình cảm người thân gia đình, những giá trị truyền thống với hy vọng các con có thể hiểu nhiều hơn về quê hương và con người Việt Nam.

Một điều thuận lợi hiện nay là âm nhạc Việt Nam đang được rất nhiều bạn trẻ trên thế giới biết đến và yêu thích, các bé nhà mình cũng vậy. Các con rất thích nghe những bài hát sôi động, đặc biệt là những bài rap, qua đó, các con có vốn từ tiếng Việt rất phong phú. Điều đặc biệt nữa là các con dù xa quê hương nhưng vẫn yêu thích các món ăn Việt Nam, đặc biệt là Phở. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến mỗi chuyến về Việt Nam của các con trở nên háo hức và đặc biệt hơn.

Chị Nguyễn Thị Bích Thắm (Thành phố Sydney, Úc): Món ăn quê hương đong đầy nỗi nhớ

Trong những dịp lễ, tết, như Tết Nguyên đán, người Việt luôn thấy nhớ nhà, mong muốn kết nối với truyền thống và người thân tại quê hương, cũng như mong được đoàn tụ với gia đình, người thân và gặp gỡ bạn bè.

Gia đình chị Nguyễn Bích Thắm du xuân tại Cầu Cảng Sydney Harbour Bridge

Cộng đồng người Việt tại Úc đa số tập trung vào những khu người Việt lớn như Cabramatta. Ở những khu người Việt này, họ thường trang trí nhà cửa theo kiểu truyền thống Việt Nam. Tuy không quá rực rỡ, nhưng vẫn có nét văn hoá của người Việt.

Vào ngày Tết, cũng giống như ở Việt Nam, chúng tôi quây quần bên gia đình, kể cho nhau nghe những gì đã trải qua, những niềm vui nỗi buồn; cùng nhau nấu những món ăn ngon ngày Tết. Đặc biệt những món như bánh chưng, thịt heo nước mắm, củ kiệu… Đây là những món ăn dân dã của Quảng Nam quê tôi, nhưng mỗi khi nhắc đến lại rất thèm, không chỉ đơn giản là thèm món ăn, mà đó là cảm giác của những thứ thân thuộc, mùi vị của quê hương. Sau khi thực hiện việc cúng kiếng xong, gia đình chúng tôi sẽ đi chùa ngày đầu năm, cầu cho một năm mới sức khoẻ, thuận lợi và hanh thông.

Sống ở nước ngoài nhiều năm, việc giữ gìn truyền thống văn hóa cho thế hệ tiếp theo là một thách thức, nhưng cũng là một nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, gia đình chú trọng việc giữ gìn ngôn ngữ tiếng Việt, lễ hội và nghi lễ truyền thống.

Chị Nguyễn Bích Thắm kiến cúng mâm cơm đầu năm mới.

Về ngôn ngữ, chúng tôi thực hành nói tiếng Việt trong gia đình hoặc tổ chức các buổi nói chuyện, hoặc trò chơi bằng tiếng Việt để tăng cường kỹ năng ngôn ngữ, tạo niềm đam mê cho những thành viên trẻ của gia đình. Bên cạnh đó, thường xuyên tham gia hoặc tổ chức các sự kiện lễ hội và nghi lễ truyền thống Việt Nam để tạo ra trải nghiệm thực tế, tăng cường kiến thức về văn hóa, thông qua các hoạt động như kể lại câu chuyện, lịch sử và ý nghĩa của các lễ hội; sử dụng sách, video, và tài nguyên trực tuyến để giảng dạy về lịch sử, văn hóa và truyền thống của Việt Nam; thảo luận về các giá trị truyền thống và cách các con có thể áp dụng trong cuộc sống hàng ngày.

Năm Giáp Thìn đang đến gần, tôi và gia đình mong muốn có một năm mới đầy đủ sức khỏe để đối mặt với mọi thách thức và cơ hội mới cũng như ước nguyện cho hòa bình, hạnh phúc và sự đoàn kết trong gia đình. Ngoài ra, tôi cũng mong muốn năm mới có thêm nhiều cơ hội để đóng góp và giúp đỡ cộng đồng xung quanh.

Anh Đồng Văn Quân (du học sinh ở Thành phố 14, Nhật Bản): Cùng nhau tạo nên mâm cỗ tất niên ấm cúng, vơi đi nỗi nhớ nhà

Để chuẩn bị cho thời khắc Giao thừa và đón một năm mới, cũng giống như ở Việt Nam, mình cùng các bạn dọn dẹp nhà cửa, đi chợ mua thực phẩm và nấu những món ăn truyền thống giống như khi ăn Tết ở nhà với bố mẹ, như bánh chưng, thịt đông, làm nem và gói bánh lá – món bánh đặc trưng của người Phú Xuyên, Hà Tây cũ. Những ngày cuối năm, chúng mình quây quần để cùng nhau tạo nên mâm cỗ tất niên ấm cúng, vơi đi nỗi nhớ nhà.

Đồng Văn Quân (ngoài cùng, bên trái) cùng những người bạn đi du lịch một ngôi chùa nổi tiếng ở thành phố Tokyo nhân dịp năm mới.

Cũng giống như Việt Nam, người Nhật rất coi trọng 3 ngày đầu tiên của năm mới và coi đây là “ba ngày chúc tụng”. Theo đó, họ sẽ dành thời gian này để đến thăm gia đình, họ hàng, bạn bè và gửi đến nhau lời chúc tốt đẹp nhân dịp năm mới. Đặc biệt, phong tục lì xì cho trẻ em và người lớn tuổi với hàm ý trao tặng sự may mắn và sức khoẻ.

Thường vào những ngày đầu năm, tại các điểm chùa của Nhật đều rất đông đúc vì họ có kết hợp tổ chức lễ hội để thu hút người dân và du khách. Cũng giống như ở Việt Nam, mình cùng các bạn thường đi chùa và tham gia các hoạt động lễ hội được tổ chức tại đây, vừa vãn cảnh, vừa gặp gỡ và trao nhau những lời chúc may mắn đầu năm.

Tính đến nay, đây là cái Tết thứ 5 mình phải ăn Tết xa gia đình và người thân vì vậy hy vọng Tết cổ truyền 2025, có thể đón tết cùng ông bà, bố mẹ, em trai và những người thân.

Ông Trần Minh Hiếu (Madison Heights, Michigan, Mỹ): Nhớ quê, nhớ gia đình, người thân và bạn bè thời thơ ấu!

Dẫu xa quê khá nhiều năm, nhưng vào dịp Tết cổ truyền 2024, cái cảm giác lâng lâng như thuở còn bé vẫn vọng về trong tâm trí tôi! Nhớ quê, nhớ gia đình, người thân và bạn bè thời thơ ấu.

Nhớ ngày còn bé khi ở Việt Nam, chúng tôi thường được đi chợ hoa, được bố mẹ đưa đi mua áo quần mới, kỉ niệm này mỗi khi Tết đến vẫn ùa về, bất chợt thấy cay cay nơi sống mũi.

Chính vì vậy, mỗi dịp Tết cổ truyền đến, không khí đón Tết truyền thống của cộng đồng người Việt Nam ở quanh nơi tôi sống tại Mỹ cơ bản vẫn giữ được cảm giác mong chờ và háo hức. Việc mua sắm chủ yếu tập trung vào thực phẩm và trái cây. Những nguyên liệu, thực phẩm thường dùng trong dịp Tết cổ truyền tại nơi tôi đang sinh sống đều được bán đầy đủ tại khu chợ của người Việt vào dịp cuối tuần. Và chúng tôi thường tranh thủ cuối tuần để mua sắm, nhất là thời điểm chỉ còn vài ngày nữa là sang năm mới.

Sau khi chuẩn bị xong thực phẩm, chúng tôi cùng gia đình, bạn bè thân thiết gói bánh chưng, bánh tét, cùng luộc bánh tại sân vườn và đón Giao thừa. Trẻ con háo hức mong chờ được thưởng thức bánh, lì xì và hái lộc giống như tuổi thơ của chúng tôi khi còn bé ở Việt Nam.

Mỹ là đất nước đa sắc tộc, đa văn hoá, sinh sống và làm việc tại đây nhiều năm, chúng tôi vẫn duy trì, giữ gìn nét riêng của người Việt, từ món ăn cho đến nếp sinh hoạt trong gia đình, những ngày lễ Tết cổ truyền của Việt Nam, bản sắc văn hoá, ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ… Điểm khác duy nhất đó là môi trường và tính chất công việc không được nghỉ vào dịp Tết cổ truyền như ở quê nhà mà thôi.

Nhân dịp năm mới, thay mặt gia đình, kính chúc gia đình và quý đồng hương cùng toàn thể bà con Việt Nam đón Xuân mới mạnh khỏe, an khang thịnh vượng, quê hương luôn đổi mới để đất nước ngày càng giàu mạnh!

Theo Đời sống
back to top