Tay chân miệng vào mùa: Tái phát cùng biến chứng nguy hiểm

Không chỉ TPHCM và các tỉnh phía Nam bệnh tay chân miệng tăng cao, tại Hà Nội số bệnh nhi nhập viện cũng tăng đột biến. Bệnh dễ tái phát, nhiều biến chứng nguy hiểm và diễn biến rất nhanh chỉ trong vài giờ...

Cần “tinh ý” để nhận biết các dấu hiệu của bệnh

Thông tin trên hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm từ đầu năm 2022 đến cuối tháng 5/2022 cả nước đã ghi nhận 5.545 ca mắc và 1 ca tử vong tại Bình Thuận. Số ca mắc chủ yếu ở khu vực miền Nam như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Sóc Trăng... Tuy nhiên, hiện tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc số bệnh nhi đi khám và nhập viện cũng tăng cao.

Bé Nam Khánh (16 tháng tuổi, Hà Nội) nhập viện do sốt cao 39 - 40 độ C không hạ, quấy khóc, đau miệng, không ăn được. Cha mẹ chỉ nghĩ con bị sốt, nhiệt miệng chứ không nghĩ con mắc bệnh tay chân miệng, vì con chưa nổi nốt gì cả. Nhưng kết quả xét nghiệm con đã bị tay chân miệng ở mức độ nặng.

Tương tự, mẹ bé Hải Hà (5 tuổi, Hà Nội) dù có kết quả xét nghiệm con bị bệnh chân tay miệng mức độ 2 nhưng vẫn không tin vì con không có nốt và đặc biệt con đã từng bị bệnh này.

tay-chan-mieng-vao-mua-1.jpg
Bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện Nhi T.Ư.

Tại Bệnh viện Nhi T.Ư, số lượng trẻ mắc bệnh tay chân miệng đến khám ngày càng gia tăng. Trong tháng 4 và tháng 5, bệnh viện ghi nhận có 776 bệnh nhi mắc bệnh đến khám, tăng 759 ca so với 2 tháng trước đó. Trong đó có 114 trẻ phải nhập viện điều trị.

Bộ Y tế cảnh báo, dịch bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng trong thời gian tới do tính chất lây truyền qua đường tiêu hóa và gặp ở hầu hết 63 tỉnh, thành. Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống, ngăn dịch bệnh, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài.

TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ thành dịch do virus đường ruột gây ra. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa, nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh.

Bệnh gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương do các virus thuộc nhóm enterovirus. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, kể cả người lớn nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi và đặc biệt tập trung ở nhóm dưới 3 tuổi. Bệnh có thể tái phát nhiều lần vì mỗi lần nhiễm bệnh chỉ tạo ra kháng thể với loại virus nhất định, bạn có thể mắc bệnh trở lại nếu bị nhiễm vius khác.

TS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi T.Ư cho hay, bệnh tay chân miệng xuất hiện quanh năm, đặc biệt giai đoạn giao mùa là thời điểm thuận lợi nhất cho virus gây bệnh phát triển. Trẻ mắc bệnh thường có các biểu hiện như sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao) và tổn thương ở da (dát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…). Tuy nhiên, có một số trẻ chỉ có biểu hiện loét miệng hoặc nổi nốt nhỏ ở mông hay bẹn, nếu gia đình không chú ý thì rất khó phát hiện.

tay-chan-mieng-vao-mua-2.jpg
Tay chân miệng vào mùa: Tái phát cùng biến chứng nguy hiểm.

3 dấu hiệu sớm cảnh báo diễn biến nặng cần đưa trẻ đi khám để được xử trí kịp thời

Quấy khóc dai dẳng kéo dài: Trẻ có thể quấy khóc nhiều, thậm chí là quấy khóc cả đêm không ngủ. Trẻ cứ ngủ khoảng 15 - 20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15 - 20 phút rồi lại ngủ tiếp. Nhiều cha mẹ thường giải thích là do bé có các nốt đau miệng nhưng thực tế không phải vậy. Đó là do tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm.

Sốt cao không hạ: Trẻ sốt trên 38,50C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt paracetamon. Đây là quá trình đáp ứng viêm rất mạnh trong cơ thể, gây nên tình trạng nhiễm độc thần kinh. Lúc này, cần dùng 1 loại thuốc hạ sốt đặc biệt hơn đó là các chế phẩm có Ibuprofen.

Giật mình: Đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.

Những biến chứng về thần kinh, tim mạch, hô hấp

Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm, các virus thuộc nhóm enterovirus là nguyên nhân gây ra bệnh tay chân miệng. Bệnh tay chân miệng chủ yếu gây ra bởi virus coxsackievirus A 16 với ít biến chứng và thường tự khỏi. Tuy nhiên, bệnh này cũng có thể bắt nguồn từ các virus enterovirus 71 (EV 71) với rất nhiều biến chứng nguy hiểm và có thể dẫn tới tử vong.

Các chuyên gia cảnh báo, trẻ mắc bệnh tay chân miệng khi có biểu hiện sốt cao và nôn nhiều dễ dẫn đến biến chứng. Biến chứng tay chân miệng bao gồm biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm khoảng từ 2 - 5 ngày của bệnh (trong giai đoạn toàn phát). Những biến chứng nguy hiểm của bệnh là viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, nguy cơ dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời. Trong trường hợp không gặp biến chứng, hầu hết các trẻ có thể phục hồi hoàn toàn từ 3 - 5 ngày sau giai đoạn toàn phát.

Biểu hiện biến chứng thần kinh gồm: Viêm não, viêm thân não, viêm màng não, viêm não tủy, với những biểu hiện như rung giật cơ (giật mình chới với): cơ giật từng cơn ngắn 1 - 2 giây, chủ yếu ở tay và chân, thường xuất hiện khi trẻ bắt đầu vào giấc ngủ hay khi cho trẻ nằm ngửa; Bứt rứt, ngủ gà, chới với, run chi, đi loạng choạng, mắt nhìn ngược; Rung giật nhãn cầu; Tăng trương lực cơ; Yếu, liệt chi; Liệt dây thần kinh sọ não; Hôn mê biến chứng nặng, thường kèm theo suy hô hấp, suy tuần hoàn.

Điều trị và chăm sóc

Bệnh chân tay miệng có thể do nhiều loại virus gây nên và không có thuốc điều trị đặc hiệu. Tổn thương ở niêm mạc miệng gây đau, khiến trẻ ăn kém, có thể dẫn đến hạ đường máu. Các biện pháp khắc phục:

– Dùng các thuốc giảm đau, sát trùng niêm mạc miệng như nước muối 0,9%, Kamistad…

– Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu như cháo loãng, sữa…

– Vệ sinh da tránh bội nhiễm vi khuẩn: Tắm cho trẻ bằng các loại nước có tính sát trùng nhẹ như nước lá chè, lá chân vịt… Dùng dung dịch Betadin bôi các tổn thương ngoài da sau tắm.

tay-chan-mieng-vao-mua.jpg
Chăm sóc bệnh nhân tay chân miêng.

115mmHg (đối với trẻ từ 1 - 2 tuổi), > 120mmHg (đối với trẻ trên 2 tuổi). Giai đoạn sau: Không đo được mạch và huyết áp; Khó thở: Bệnh nhi thở nhanh, nông, khò khè, ngực rút lõm, hơi thở rít thanh quản, không đều; Phù phổi cấp: Trẻ sùi bọt hồng, khó thở, da tím tái, phổi nhiều ran ẩm, nội khí quản có lẫn máu hay bọt hồng. 

Các biện pháp phòng ngừa

• Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước đặc biệt sau khi tiếp xúc với các vết bọng nước hoặc vết loét, trước khi nấu ăn hoặc trước khi ăn, trước khi cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh và thay tã;

• Rửa sạch các bề mặt và vật dụng bị nhiễm khuẩn (bao gồm đồ chơi) trước tiên với nước và xà phòng, sau đó tẩy trùng bằng chất tẩy có chứa chlorine pha loãng;

• Tránh tiếp xúc trực tiếp (ôm hôn, sử dụng chung đồ dùng...) với trẻ bị nhiễm bệnh cũng giúp làm giảm nguy cơ lây nhiễm;

• Không để trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đang nhiễm bệnh đến nhà trẻ, mẫu giáo, trường học hoặc tụ tập đông người cho đến khi khỏe hẳn;

• Theo dõi sát sao tình trạng của trẻ nhiễm bệnh và can thiệp y tế kịp thời nếu sốt cao liên tục, mất tỉnh táo và hoặc tình trạng chung diễn biến theo chiều hướng xấu;

• Che mũi và miệng khi hắt hơi hoặc ho;

• Vứt khăn giấy và tã đã qua sử dụng vào thùng rác được đậy;

• Giữ vệ sinh tại nhà, trung tâm chăm sóc trẻ, nhà trẻ mẫu giáo hoặc tại trường học.

Theo Đời sống
back to top