Tập thể dục thế nào để trí não minh mẫn hơn?

Tập thể dục buổi sáng giúp máu lưu thông, trí não minh mẫn hơn, sức khỏe tốt hơn. Nhưng nếu không chú ý đến nhịp sinh học... sẽ phản tác dụng.

Tập thể dục sai hại cơ thể

Theo nghiên cứu khoa học, có tới 49% nguy cơ mắc đột quỵ trong khoảng thời gian đầu của ngày. Nguyên nhân do sau giấc ngủ đêm, huyết áp cơ thể giảm, độ nhớt máu tăng lên, các mảng vữa hình thành ở các mạch máu có thể làm tăng huyết áp đột ngột sau 6 giờ sáng. Nếu dậy tập thể dục, tập quá sức thì huyết áp dễ tăng cao, dẫn tới đột quỵ. Sáng sớm nhiệt độ ngoài trời còn thấp, sương bao phủ (mùa đông còn khiến cơ thể gặp lạnh đột ngột, các mạch máu bị co lại…) sẽ rất có hại cho cơ thể.

Vì vậy, mùa thu đông không nên ra khỏi nhà lúc 4-5 giờ sáng. Lúc này trời lạnh, sương mù và khí carbon do cây thải ra còn nhiều trong không khí, ảnh hưởng đến việc trao đổi chất của cơ thể và có thể gây hại sức khỏe (nhất là người có tiền sử bệnh mãn tính như hen suyễn, cao huyết áp, bệnh tim mạch… càng cẩn thận vì dễ bị đột quỵ, đau tim, trúng gió méo miệng…). Sau 21 giờ cơ thể rơi vào tình trạng mệt mỏi sinh lý, cần được nghỉ ngơi. Nếu tập nặng sau 21h, nhịp sinh học cơ thể bị xáo trộn gây khó ngủ, giấc ngủ chập chờn, không sâu giấc, lâu dài dẫn tới mệt mỏi, gây ra các bệnh lý rối loạn giấc ngủ, suy thượng thận…

Sau khi ăn no, cơ thể ưu tiên tiêu hóa thức ăn, máu tập trung ở dạ dày nhiều. Tập sau ăn thời gian dài sẽ gây viêm loét dạ dày, đường tiêu hóa. Muốn tập phải đảm bảo sau bữa ăn ít nhất 1 giờ. Tập khi quá no hoặc quá đói đều nguy hiểm cho sức khỏe. Tập khi bụng quá đói sẽ bị hoa mắt, chóng mặt, dễ ngất xỉu.

Một sai lầm khác là người già không giữ ấm và mặc trang phục phù hợp khi thể dục. Mùa đông nên mặc vài lớp áo dễ thấm mồ hôi, để khi tập nóng dần, ra nhiều mồ hôi thì cởi bớt. Không nên cho rằng tập thể dục nóng phong phanh ra đường ngay từ đầu rất dễ cảm lạnh. Khi tập chọn nơi thoáng khí, có mái che. Trước khi tập phải khởi động nhẹ nhàng, từ từ để cơ thể nóng lên, giúp nhịp tim ổn định và cảm nhận cơ thể (nếu có vấn đề thì dừng lại).

Tập theo nhịp sinh học

Theo y học cổ truyền, khung giờ vàng cho tập thể dục còn nhiều ý kiến trái chiều. Một số ý kiến cho rằng có 2 khung giờ vàng để tập: 9-10h sáng và từ 20-21 giờ tối. Thời điểm này nhịp độ sinh học lên cao, cơ bắp thoát khỏi sự ỳ, hệ thống tuần hoàn, hô hấp hoạt động tốt, cơ bắp đạt đỉnh cao nhất, tập luyện dễ đạt thành tích cao, động tác chuẩn xác hơn. Khung giờ này nhiệt độ cơ thể thường cao hơn buổi sáng 1-2 độ C, giúp các cơ đàn hồi, dẻo dai hơn, giảm nguy cơ chấn thương.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nên tuân theo các quy luật vận hành của khí huyết. Theo quy luật này, giờ Mão (5-7 giờ), cơ thể hấp thụ dinh dưỡng và nước, thải chất cặn bã. Giờ Thìn (7-9 giờ), cơ thể tiêu hóa mạnh thức ăn trong dạ dày, đưa dinh dưỡng sang lá lách để tạo máu. Giờ Thân (15-17 giờ), cơ thể tạo tân dịch (nước bọt) và thải nước không cần thiết qua đường tiểu tiện. Giờ Dậu (17-19 giờ), cơ thể nạp tinh chất, nguyên khí. Giờ Tuất (19-21 giờ), cơ thể thông khí huyết, giúp giảm áp lực để tim, rất dễ chịu. Giờ Hợi (21-23 giờ), cơ thể thông bách mạch từ trên xuống dưới. Do vậy, nhịp sinh học phù hợp với cơ thể là nên tập sau 6 giờ sáng. Sau giờ này dương khí cơ thể hồi sinh mạnh, ngoài trời ấm áp hơn. Những người già yếu, cơ thể chậm thích nghi từ tĩnh sang động, từ âm sang dương thì nên tập sau 8 giờ sáng.

Trường hợp mùa đông trời lạnh quá, người già nên tập vào buổi chiều – giờ Dậu (từ 17- 19 giờ), là lúc tinh chất, khí huyết đã đầy đủ quy nạp về thận. Buổi chiều thuận với tự nhiên là âm chế ước được dương. Tập thể dục lúc này sẽ phát huy dương khí, thúc đẩy khí huyết lưu thông, dưỡng chất nuôi cơ thể, cân bằng âm dương. Cũng có thể thể dục nhẹ nhàng vào buổi tối trước 21h để giúp cơ thể thư thái và thoải mái hơn, ngủ ngon hơn. Nhưng chỉ tốt khi tập thể dục đơn giản (như đi bộ nhẹ nhàng) 15-30 phút và nên tập trước khi đi ngủ ít nhất 30 phút. Mùa đông chú ý thở bằng bụng (hít thật sâu để không khí vào đầy bụng qua đường mũi rồi sau đó thở ra từ từ). Tránh há miệng đề phòng nguy cơ viêm họng và các bệnh đường hô hấp khác.

TTƯT Lê Hữu Tuấn

(nguyên PGĐ Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương)

Theo Đời sống
12 tuổi đã ung thư tuyến giáp di căn hạch cổ

12 tuổi đã ung thư tuyến giáp di căn hạch cổ

Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) đã phẫu thuật thành công cho trẻ 12 tuổi mắc ung thư tuyến giáp di căn hạch cổ. Đây là trường hợp bệnh nhân ung thư tuyến giáp trẻ tuổi nhất từng được phẫu thuật điều trị tại bệnh viện.
back to top