Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt

(khoahocdoisong.vn) - Bệnh tăng sản lành tính tuyến tiền liệt (TSLTTTL) là một trong những bệnh nam khoa gặp phổ biến ở nam giới, nhất là những người cao tuổi.

Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt còn được gọi là bệnh u xơ tuyến tiền liệt, phì đại tuyến tiền liệt lành tính…Đây là một bệnh lành tính, tiến triển chậm, hiếm khi gây tử vong, tuy nhiên cần phải được điều trị sớm. Tỷ lệ mắc TSLTTTL tăng dần theo tuổi, ở người cao tuổi tỷ lệ mắc khoảng 50-80%.

Tuổi cao tỷ lệ mắc bệnh tăng

Hiện nay nguyên nhân bệnh sinh của TSLTTTL chưa được biết rõ. Tuy nhiên, có hai yếu tố quan trọng liên quan đến nguyên nhân bệnh sinh đó là: Tuổi đời và vai trò của nội tiết. TSLTTTL bắt đầu ngay từ  trên 40 tuổi.  Đến tuổi 80, có đến 80% nam giới mắc. TSLTTTL được đặc trưng bởi 2 triệu chứng tắc nghẽn và kích thích bàng quang:

- Triệu chứng tắc nghẽn đường tiểu biểu hiện bằng đái khó, đái nhỏ giọt, tia đái nhỏ và yếu, có cảm giác đái không hết, thậm chí nặng hơn sẽ xuất hiện bí đái.

- Triệu chứng kích thích bàng quang: Biểu hiện ban đầu là đái đêm nhiều lần, sau đó nặng dần thì xuất hiện thêm đái ngày nhiều lần. Một số trường hợp nặng hơn, bệnh nhân đái rỉ, không nhịn tiểu được.

Thăm trực tràng phát hiện tuyến tiền liệt to. Siêu âm tuyến tiền liệt xác định TSLTTTL khi thể tích tuyến  tiền liệt >25g.

Hiện nay có 3 phương pháp điều trị, đó là điều trị bảo tồn, điều trị can thiệp và điều trị bằng phẫu thuật. Lựa chọn phương pháp điều trị phải dựa vào phân loại IPSS:

- TSLTTTL không có triệu chứng, chỉ cần theo dõi.

- TSLTTTL có triệu chứng, rối loạn tiểu tiện mức độ nhẹ, cần điều trị nội khoa.

- TSLTTTL đã có biến chứng, rối loạn tiểu tiện mức độ nặng phải can thiệp ngoại khoa

Điều trị nội khoa

Các thuốc được sử dụng phổ biến nhất hiện nay là hai nhóm thuốc chính. Nhóm thuốc alpha blocker, có tác dụng làm giãn cơ trơn tuyến tiền liệt và cổ bàng quang giúp làm giảm bớt tình trạng tắc nghẽn niệu đạo do TSLTTTL, ví dụ alfuzosin (xatral), terazosin (hytrin), doxazosin, prazosin và tamsulosin. Các thuốc alpha blocker không làm “tiêu” khối u mà chỉ làm cổ bàng quang và niệu đạo mở rộng khi đi tiểu, giúp cho tiểu tiện dễ dàng.

Nhóm 2 là các thuốc ức chế 5-alpha reductase (5-ARIs). Các thuốc  5-ARIs đã được đánh giá không những cải thiện triệu chứng mà còn làm giảm kích thước tuyến tiền liệt, góp phần làm giảm nguy cơ bí tiểu cấp và phẫu thuật. Hiện nay, người ta đang áp dụng rộng rãi việc kết hợp các thuốc alpha blocker và 5-ARIs điều trị TSLTTTL. Nghiên cứu gần đây tại BV T.Ư Quân đội 108 trên gần 200 bệnh nhân TSLTTTL điều trị bằng kết hợp các thuốc alpha blocker và 5-ARIs (sử dụng avodart) cũng cho thấy rõ tác dụng cải thiện triệu chứng, giảm kích thước tuyến tiền liệt, góp phần làm giảm nguy cơ bí tiểu cấp và phẫu thuật so với nhóm giả dược hay nhóm được điều trị đơn thuần bằng các thuốc alpha blocker.

Ngoài ra, người ta còn dùng một số thuốc có nguồn gốc thực vật như tadenan, permixon, protamol, cây trinh nữ hoàng cung…Tuy nhiên tác dụng của các thuốc này cũng chưa được nghiên cứu đầy đủ.

Điều trị phẫu thuật

Phẫu thuật nội soi, phẫu thuật mở khi đã có các biến chứng, điều trị nội khoa thất bại.

 Điều trị can thiệp

Vi sóng trị liệu, kim đốt bằng dòng điện cao tần qua niệu đạo, bốc hơi tuyến tiền liệt lưỡng cực qua niệu đạo, đặt stent niệu đạo, tiêm ethanol và botulinum toxin vào tuyến tiền liệt.

Gần đây người ta áp dụng kỹ thuật can thiệp mạch (nút động mạch tuyến tiền liệt) trong điều trị TSLTTTL và cho kết quả tốt, đầy triển vọng. Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 hiện đang áp dụng kỹ thuật tiên tiến này cho các bệnh nhân TSLTTTL.

Các biện pháp dự phòng

Để phòng tránh căn bệnh đầy phiền phức này tốt nhất là ngay từ bây giờ nam giới hãy tạo cho mình một lối sống lành mạnh.

Tạo chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, giữ tâm trạng vui vẻ thoải mái, tăng cường thể dục thể thao để có một sức khỏe tốt

Ăn uống vệ sinh, cân bằng chất dinh dưỡng. Không nên lạm dụng các chất kích thích như bia rượu, thuốc lá… hạn chế ăn đồ cay nóng, đồ nhiều dầu mỡ.

Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần cũng là cách bảo vệ sức khỏe của bạn giúp phòng tránh bệnh TSLTTTL và các bệnh lý khác.

TS.BS Nguyễn Văn Triệu - BS Nguyễn Thị Thu Hương

(BV T.Ư Quân đội 108)

Theo Đời sống
back to top