Hỏi: Người nhà tôi bị viêm gan B, mỡ máu và tim mạch được hàng xóm khuyên dùng tầm gửi cây dâu nhưng tôi thực sự chưa rõ công dụng của nó, xin KH&ĐS hướng dẫn. Tầm gửi sống trên các cây khác như mít, gạo...có phải là thuốc bổ không? Cách sử dụng thế nào?
Đỗ Văn Kha (Hải Dương)
ThS Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện TƯQĐ 108: Trên thực tế, trong rất nhiều loài tầm gửi chỉ có tầm gửi mọc trên cây dâu tằm, còn gọi là tang ký sinh, được y học cổ truyền sử dụng làm thuốc từ hàng ngàn năm nay với công dụng trừ phong thấp, bổ can thận, cường gân cốt và an thai.
Nghiên cứu hiện đại cũng cho thấy, vị thuốc này có tác dụng làm giãn động mạch vành tim, cải thiện lưu lượng tuần hoàn vành, hạ huyết áp, giảm mỡ máu, lợi niệu, kháng vi sinh vật, chống virus viêm gan B.
Trong dược học cổ truyền bài thuốc “Độc hoạt tang ký sinh thang” với tang ký sinh và độc hoạt làm chủ dược là một trong những phương thuốc nổi tiếng có tác dụng trị liệu các bệnh lý về khớp đã được đông tây y khẳng định.
Còn các loại tầm gửi mọc trên cây gạo, cây mít hoặc cây gỗ nghiến cũng được kinh nghiêm dân gian ghi nhận, ví như tầm gửi cây mít và cây gạo có công dụng bổ gan, tầm gửi cây gỗ nghiến có tác dụng cường dương…, tuy nhiên trong các y thư cổ không thấy nói đến điều này.
Bởi vậy, việc sử dụng các loại tầm gửi này phải hết sức thận trọng.
TN (ghi)