“Cho vay tiêu dùng phát triển lành mạnh giúp người dân tối ưu hoá thu nhập theo thời gian, qua đó tối đa hoá được độ thoả dụng trong suốt vòng đời của họ” – đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) khi đánh giá về vai trò của tài chính tiêu dùng.
Bên cạnh đó, vấn đề thông tin tuyên truyền cần phải nâng cao một bước nữa để cộng đồng xã hội và người tiêu dùng hiểu rõ bản chất và vai trò quan trọng của tài chính tiêu dùng với sự phát triển kinh tế – xã hội tại Việt Nam, trong đó các ngân hàng và các công ty tài chính tiêu dùng phải đóng vai trò chính yếu.
Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư. (Ảnh: Đỗ Linh)
Trong khuôn khổ của tọa đàm, đại diện cơ quan quản lý, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đã thảo luận về thực trạng, tiềm năng và vai trò của tài chính tiêu dùng nói chung và tín dụng tiêu dùng nói riêng với sự phát triển kinh tế xã hội tại Việt Nam. Đồng thời, khuyến nghị các giải pháp cần thực hiện để đảm bảo cho tín dụng dụng tiêu dùng phát triển bền vững, đảm bảo an toàn cho cả nhà đầu tư và người tiêu dùng.
Theo các chuyên gia, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển vàng nhờ những điều kiện lý tưởng như: Nền kinh tế đang trong giai đoạn phát triển, quy mô dân số đạt ngưỡng gần 95 triệu dân với tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động chiếm 52%; nhóm lao động có xu hướng chi tiêu vượt mức lương, đồng thời chuyển đổi hành vi từ tiết kiệm sang mua sắm và chuyển từ việc sử dụng tiền mặt sang tín dụng tiêu dùng.
Hoạt động tài chính tiêu dùng phát triển sẽ là động lực thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, hợp lý hóa quá trình luân chuyển hàng hóa trên thị trường; giúp tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính thức cho người dân, đặc biệt là nhóm khách hàng dưới chuẩn vay ngân hàng, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”; giúp người nghèo, người thu nhập thấp có điều kiện tích lũy tài sản… nhờ sự linh hoạt, đáp ứng nhanh, kịp thời nhu cầu tiêu dùng của người dân và hộ gia đình với nhiều sản phẩm, dịch vụ đa dạng, phong phú.
Ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, cùng với sự phát triển kinh tế, tỷ trọng tiêu dùng trong tổng GDP của Việt Nam liên tục tăng cao. Trong vòng 5 năm qua, tín dụng tiêu dùng đã tăng gần 5 lần. Cụ thể, cuối năm 2012, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng khoảng 230.000 tỷ đồng, chiếm 8% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế thì đến cuối năm 2017, dư nợ tín dụng tiêu dùng đạt khoảng 1,1 triệu tỷ đồng (gấp 4,8 lần năm 2012), chiếm khoảng 18% tổng dư nợ của nền kinh tế. Cho vay tiêu dùng phát triển chính là mở ra kênh tiếp cận tín dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có thể vay để mua tài sản lưỡng dụng: Vừa phục vụ nhu cầu đời sống vừa phục vụ mục đích kinh doanh.
Ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ. (Ảnh: Đỗ Linh)
Đánh giá về lĩnh vực tài chính tiêu dùng, ông Tú Anh cho rằng: “Cho vay tiêu dùng phát triển chính là mở ra kênh tiếp cận tín dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có thể vay để mua tài sản lưỡng dụng: Vừa phục vụ nhu cầu đời sống vừa phục vụ mục đích kinh doanh. Sự phát triển cho vay tiêu dùng làm cho việc sử dụng nguồn lực trong nền kinh tế trở nên hiệu quả hơn. Nó cho phép biến các tài sản cố định như đất đai, nhà cửa trở thành các tài sản có thể sử dụng vào các mục đích đầu tư và tiêu dùng. Cho vay tiêu dùng phát triển lành mạnh giúp người dân tối ưu hoá thu nhập theo thời gian, qua đó tối đa hoá được độ thoả dụng trong suốt vòng đời của họ”.
Theo TS. Cấn Văn Lực, cho vay tiêu dùng chính thức được hình thành tại Việt Nam từ năm 1998, nhưng phát triển mạnh trong khoảng 5 năm trở lại đây; qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (gồm cả việc thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ), tăng khả năng tiếp cận tín dụng, giảm bớt tệ nạn tín dụng đen, hạn chế thanh toán dùng tiền mặt.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tú Anh cũng phân tích rằng, thị trường cho vay tài chính vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhất là xuất hiện các rủi ro liên quan đến bên cho vay, bên đi vay bởi hệ thống pháp lý chưa đầy đủ, sự xuất hiện của các kênh thông tin truyền thông còn chưa phản ánh đúng bản chất của cho vay tiêu dùng.
Tiến sĩ Đỗ Hoài Linh, Phó Trưởng Bộ môn Ngân hàng Thương mại, Viện Ngân hàng – Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng: “Nhận xét khách quan chúng ta thấy tín dụng đen vẫn khá nổi cộm, đặc biệt thị trường 60 triệu dân sống tại nông thôn nơi mà sự hiện diện của hệ thống tín dụng chính thức vẫn còn rất thiếu, cộng với tâm lý e ngại của người dân tiếp xúc với kênh tín dụng chính thức thì “tín dụng đen” thông qua hụi họ, tiệm cầm đồ vẫn là kênh cung cấp vốn chủ yếu. Do đó, để tín dụng tiêu dùng của các kênh chính thức như ngân hàng/công ty tài chính thực sự đẩy lùi được tệ nạn tín dụng đen thì rất cần những giải pháp đồng bộ từ ngắn hạn, dài hạn từ tuyên truyền, vận động, hỗ trợ với sự tham gia của nhà nước, nhà ngân hàng và người dân”.
“Sự phát triển mạnh của cho vay tiêu dùng vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với hệ thống các TCTD. Một mặt lĩnh vực cho vay tiêu dùng mới phát triển, dư địa tăng trưởng còn lớn do đó đây là thị trường đầy tiềm năng cho các tổ chức tín dụng. Mặt khác, cũng vì đây là lĩnh vực còn mới ở Việt Nam nên kinh nghiệm cho vay, kinh nghiệm quản lý rủi ro của cả các tổ chức tín dụng và người đi vay còn non trẻ do đó sự phát triển nhanh của hoạt động cho vay tiêu dùng đặt ra rất nhiều vấn đề về quản lý rủi ro đối với các tổ chức tín dụng, với cơ quan quản lý nhà nước và đối với cả khách hàng” – ông Tú Anh khẳng định.
Tuệ Minh – Vy Thương (Theo Reatimes)