Người ta đã chứng minh súp lơ có khả năng ức chế sự phát triển của vi khuẩn Helicobcter pylori (HP)- một trong các nguyên nhân gây bệnh viêm loét dạ dày. Đây là thực phẩm có thể làm suy yếu khả năng gây bệnh của vi khuẩn, chống lại sự phá hoại màng nhầy của nó. Và do đó, sẽ giảm hẳn nguy cơ viêm loét dạ dày. Nguyên nhân là do chất isothiocyanate có trong súp lơ. Đây là một chất nằm trong nhóm chất dẫn xuất của đường. Chất này không có sẵn trong súp lơ nhưng nó lại có rất sẵn ở dạng tiền chất. Khi đi vào cơ thể, tiền chất này được chuyển hóa thành isothiocyanate ức chế sự phát triển của vi khuẩn HP. Súp lơ xanh hoặc trắng luộc đều tốt với căn bệnh này.
Trong 100g súp lơ trắng có lượng chất xơ đáp ứng 10% nhu cầu hàng ngày; protein 4%; carbohydrat 2%; năng lượng 1%; vitamin C 77%; vitamin K 20%; folic 14%; vitamin B6 11%; mangan 8%; đồng 7%; magie 4%; photpho 4%. Bên cạnh đó, súp lơ trắng còn chứa một số hoạt chất tự nhiên như glucobrassicin, glucoraphanin và gluconasturtiian. Những chất này hoạt động như những enzym chống lại chu trình phá hủy tế bào, bảo vệ tế bào da. Cùng với kali, glucoraphanin, các chất bảo vệ tim mạch khác như isothiocyanate, indole-3-carbinol có trong súp lơ trắng góp phần làm cho hệ tim mạch trở nên khỏe mạnh.
Đặc biệt, súp lơ có thể làm giảm nguy cơ đột biến tế bào, biến một tế bào lành thành một tế bào ung thư. Trong súp lơ có Nf-kappa B (viết tắt Nf-kB) có khả năng ức chế bớt hoạt tính của các chất trung gian hóa học gây viêm, điều hòa chúng ở mức độ vừa phải, đủ để gây viêm chống vi khuẩn nhưng không vượt quá mức đến độ gây đột biến tế bào.
Súp lơ xanh cung cấp một lượng lớn các chất dinh dưỡng với lượng calo khá thấp. Trong súp lơ xanh còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất bao gồm vitamin C, vitamin K1, folat (B9), kali, mangan, sắt… và các hợp chất chống oxy hóa như: sulforaphane, carotenoid, kaempferol, quercetin. Vì vậy, súp lơ xanh là một lựa chọn hợp lý cho chế độ ăn lành mạnh.
Một tuần nên ăn chừng 2-3 lần, tức là ăn 2-3 ngày có súp lơ vào các bữa chính. Tốt nhất, nên ăn sống hoặc xay sinh tố, luộc. Nếu không có súp lơ xanh thì có thể tạm chấp nhận súp lơ trắng nhưng hiệu quả giảm đi.
BS Cao Hồng Phúc (Bệnh viện Quân y 103)