Sốt xuất huyết độ I, II có thể điều trị thuốc Nam

(khoahocdoisong.vn) - Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus gây nên. Virus gây bệnh chủ yếu là virus Dengue. Virus Dengue có bốn tuýp là tuýp 1, 2, 3 4. Khi cơ thể bị nhiễm bởi 1 tuýp sẽ để lại miễn dịch lâu dài với tuýp đó nên chúng ta có thể mắc bệnh lần thứ 2 do nhiễm tuýp khác.

Sốt xuất huyết tăng mạnh

Bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Sốt xuất huyết xảy ra rất mạnh ở các tỉnh phía Nam và đang lan nhanh ở phía Bắc. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Biểu hiện bệnh sốt xuất huyết rất đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Biến chứng thường gặp của bệnh là sốc, xuất huyết và suy đa tạng, người bệnh có thể tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Cho đến nay, thế giới vẫn chưa tìm ra thuốc điều trị đặc hiệu hoặc văcxin phòng bệnh sốt xuất huyết.

Sốt xuất huyết xuất hiện sau thời gian ủ bệnh, kéo dài từ 4-10 ngày sau khi bị muỗi mang mầm bệnh đốt. Bệnh nhân có dấu hiệu sốt cao đột ngột, liên tục 39 - 40 độ C, kéo dài 2- 7 ngày, khó hạ sốt. Bệnh nhân thấy đau đầu dữ dội ở vùng trán, nhức hai hố mắt sau nhãn cầu, có thể có nổi mẩn, phát ban, da xung huyết, chán ăn, buồn nôn, đau cơ, đau khớp…Vào ngày thứ 3- 7 người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt, giai đoạn này người bệnh cần được chăm sóc đặc biệt vì dễ chuyển sang giai đoạn nặng. Người bệnh có thể xuất hiện các nốt xuất huyết dưới da, nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết, thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc mảng bầm tím. Xuất huyết ở niêm mạc, chảy máu mũi, lợi, tiểu ra máu. Phụ nữ có kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn. Có xuất huyết nội tạng như tiêu hóa, phổi, não là biểu hiện nặng. Nhiều người bệnh ở giai đoạn này thấy đau bụng, buồn nôn, tay chân lạnh, vật vã, hốt hoảng…Những trường hợp này cần phải cấp cứu nhanh chóng.

Sốt xuất huyết thường được điều trị Tây y, tuy nhiên, trong khi có dịch, việc dùng thuốc Nam phòng trị bệnh nên được coi trọng. Y học cổ truyền coi sốt xuất huyết thuộc ngoại cảm phong nhiệt, còn gọi ngoại cảm ôn tà. Người bệnh sốt cao đột ngột, sốt liên tục, khi sốt cao sẽ dẫn đến tổn thương đến phần âm “tân dịch”. Nguyên nhân chủ yếu là do hỏa thịnh âm hư, nhức mỏi do nhiệt tà uất kết. Phép trị theo Đông y là tân lương giải biểu, thanh nội nhiệt, dưỡng âm, cầm huyết, thư cơ, kết hợp thanh hỏa mà huyết cầm và giải nhiệt tà giảm đau mỏi. Sau đây xin giới thiệu kinh nghiệm dùng bài thuốc Nam phòng trị xuất huyết độ I, II.

Bài thuốc quý chữa sốt xuất huyết

Bài thuốc gồm: Cỏ mực 16g, lá tre 16g, rễ cỏ tranh 16g, rau má 16g, cát căn (sắn dây)16g, đậu đen 40g sắc uống ngày 1 - 2 thang, mỗi thang sắc 2-3 lần, mỗi lần đổ 3 chén sắc còn 1 chén, uống liên tục cho đến khi hết sốt (khỏi bệnh). Tác dụng giải nhiệt tà dưỡng âm, thanh hỏa cầm huyết, thư cơ, bổ chính khử tà. Chủ trị sốt xuất huyết, sốt virus, “ôn bệnh”.

Nếu sốt kèm đau họng, nổi ban nhiều gia kim ngân hoa 20g. Nếu nhức mỏi cơ gia sắn dây gấp đôi, nếu nóng bứt rứt, khó ngủ gia lá tre gấp đôi. Nếu chảy máu mũi, máu chân răng, nôn khan, nôn ra máu, xuất huyết đại tiểu tiện tăng vị rễ cỏ tranh gấp đôi. Nếu có tiêu chảy cỏ mực, rễ cỏ tranh nên sao vàng.

Giai đoạn hết sốt, người mệt mỏi tay chân lạnh, nổi da gà, dễ vã mồ hôi, huyết áp tụt thì giảm vị cỏ mực, rễ cỏ tranh; gia thêm sâm Ngọc linh 12g hoặc nhân sâm, đảng sâm, mạch môn mỗi vị 14g, ngũ vị tử 10g để tăng tác dụng bổ khí liễm hãn dưỡng âm sinh tân.

Đây là bài thuốc Nam quý chữa sốt xuất huyết khá công hiệu, đặc biệt rất hiệu quả, giảm các triệu chứng khó chịu của bệnh như sốt cao, xuất huyết, nhức mỏi, bứt rứt khó ngủ... Tác giả đã sử dụng bài thuốc này nhiều năm, cho hàng trăm ca đều thấy kết quả tốt, chưa thấy tác dụng phụ, khi hết sốt nhanh phục hồi, rất dễ uống và dễ sử dụng, dược liệu sẵn có. Nếu được sử dụng sớm ngay ngày đầu sẽ rất hiệu quả. Tuy nhiên với bệnh nhân nặng độ III và IV thì bài này chỉ có tác dụng phối hợp và hỗ trợ giảm triệu chứng. Nhất thiết phải đưa người bệnh đến bệnh viện để các bác sĩ khám và điều trị.

BS Nguyễn Phan Trúc Nguyên (Vũng Tàu)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top