Cục Quản lý Dược cam kết tạo điều kiện để không đứt thuốc điều trị sốt xuất huyết

(khoahocdoisong.vn) - Chiều ngày 16/9, Cục quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, vừa qua nhiều phương tiện thông tin đại chúng có đưa tin về nguy cơ thiếu dịch truyền cao phân tử trong điều trị sốt xuất huyết, nhiều cơ sở điều trị như "ngồi trên đống lửa".

Đảm bảo cung ứng thuốc đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu của các cơ sở khám chữa bệnh. 

Theo phác đồ điều trị sốt xuất huyết của Bộ Y tế, dung dịch cao phân tử được chỉ định trong điều trị chống sốc trên bệnh nhân sốt xuất huyết nặng. Các dung dịch cao phân tử đã được sử dụng tại Việt Nam gồm dung dịch dextran 40, dextran 70 và HES 200.000 dalton. Tất cả các thuốc trên đều được sản xuất tại nước ngoài và đã được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Hiện có 6 thuốc có giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam còn hiệu lực, được nhập khẩu theo nhu cầu mà không cần thực hiện việc cấp phép nhập khẩu.

Tuy nhiên, do đặc thù thị trường nước ngoài, nhu cầu các thuốc trên rất thấp, do đó, hiện nguồn cung các thuốc này rất hạn chế. Ngay khi nhận được thông tin về nguy cơ thiếu thuốc, Cục Quản lý Dược đã có Công văn số 16102/QLD-KD ngày 13/09/2019 chỉ đạo các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh liên hệ với nhà sản xuất nước ngoài để tìm nguồn cung ứng thuốc. Cục Quản lý Dược cũng đã hướng dẫn các cơ sở nhập khẩu lập hồ sơ nhập khẩu trong trường hợp nhà sản xuất không thể cung ứng thuốc có số đăng ký tại Việt Nam. Cục Quản lý Dược sẽ xem xét, cấp phép nhập khẩu, đảm bảo cung ứng thuốc đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu của các cơ sở khám chữa bệnh. 

Nhiều bệnh viện đang lo lắng vì cao phân tử trong kho đang cạn dần

Nhiều bệnh viện đang lo lắng vì cao phân tử trong kho đang cạn dần

Trong khi đó, những ngày qua, trước thông tin nhà cung cấp thuốc bị "kẹt" việc xin Visa cho thuốc cao phân tử đã khiến nhiều bệnh viện như ngồi trên "đống lửa" vì số thuốc trong kho gần như đã "cạn". Một số bệnh viện phải cầu cứu đơn vị bạn để mươn thuốc, nếu không có giải pháp kịp thời thì trong vòng 1 tháng nữa sẽ không còn thuốc để điều trị cho bệnh nhân Sốt xuất huyết. 

Ngày 16/9, thông tin từ bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM cho biết, vừa liên hệ mượn được gần 100 chai cao phân tử nên khả năng có thể cầm cự trong vòng 1 tháng. Tuy nhiên, nếu tình hình cung ứng không kịp thời thì nguy cơ "đứt" hàng là khó tránh khỏi. 

Bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt Đới TPHCM.

Bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt Đới TPHCM. 

Không riêng gì bệnh viện tại TPHCM mà ở các tỉnh thành phía Nam, (nơi thường được xem là "điểm nóng" về sốt xuất huyết) cũng đang cùng cảnh ngộ hết thuốc. 

Tại Bến Tre, BS Võ Phạm Trọng Nhân, Trưởng phòng KHTH – BV Nguyễn Đình Chiểu – Bến Tre, lo lắng cho biết, mấy hôm rồi mất ăn mất ngủ vì trong kho còn có 20 chai. Cũng may sau khi liên hệ một số đơn vị bạn thì bệnh viện cũng đã mượn thêm được gần 50 chai nên còn "cầm cự thêm được một thời gian. 

Trong khi đó, tại BV Nhi đồng Đồng Nai, may mắn hơn, kho thuốc còn đến 200 chai, nhưng chỉ đáp ứng được trong khoảng 1 tháng. Trưởng khoa Dược – BV Nhi đồng Đồng Nai cho biết, bình thường dùng 120- 130, có lúc 150 chai nhưng mà cao điểm 1 cái là dùng khoảng 300 chai. 

BS Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, cho biết dịch cao phân tử chữa sốt xuất huyết khả năng chỉ đáp ứng nhu cầu điều trị khoảng 2 tuần nữa. Năm nay bệnh nhân sốt xuất huyết ở viện tăng 300% so với 2018.

Sở Y tế Đồng Nai thông tin tình trạng thiếu hụt dịch cao phân tử xảy ra ở nhiều bệnh viện của tỉnh. Từ đầu năm đến nay, tỉnh ghi nhận hơn 13.000 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng gần 2,9 lần so với cùng kỳ năm ngoái, có 2 ca tử vong. Số bệnh nhân dưới 15 tuổi chiếm gần 55%.

Trước tình hình này, nhiều chuyên gia cho rằng, song song với giải pháp khẩn trương tìm nguồn cung ứng thuốc cao phân tử thì công tác phòng ngừa phải đặt lên hàng đầu. Theo BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, hiện tình hình sốt xuất huyết đang trong tình trạng "đi ngang", dự báo có chiều hướng giảm xuống. Tuy nhiên không thể lơ là, bởi mỗi tháng vẫn có hàng ngàn ca mắc. Do đó, UBND, Sở Y tế, Trung tâm phòng chống bệnh tật TPHCM đã đôn đốc các quận huyện, địa phương nỗ lực phòng chống dịch bệnh. Việc giảm ca mắc, phòng ngừa tốt sẽ giảm áp lực cho phía điều trị. 

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top