Đau thắt lưng suốt 2 năm, đi khám mắc căn bệnh có thể gây tàn phế

Sau 2 năm chịu cơn đau dai dẳng ở vùng thắt lưng, anh A. quyết định đến bệnh viện kiểm tra thì nhận kết quả mắc viêm cột sống dính khớp.

Cảnh giác với chứng đau thắt lưng ở người trẻ

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Medlatec đã tiếp nhận bệnh nhân T.T.A. 26 tuổi đến khám do đau thắt lưng

Qua khai thác tiền sử bệnh được biết, bệnh nhân có biểu hiện đau thắt lưng khoảng 2 năm nay, đau liên tục, tăng về đêm, không cứng khớp buổi sáng, khi vận động bệnh nhân đỡ đau, không có tiền sử chấn thương, chưa điều trị thuốc.

Do bệnh nhân dưới 45 tuổi, đau thắt lưng, đau cột sống, đau kiểu viêm trên 3 tháng, đau về đêm, giảm khi vận động, bác sĩ hướng đến bệnh lý viêm cột sống dính khớp.

Hình ảnh trên MRI cho thấy nhiều bất thường ở cột sống thắt lưng. Ảnh BVCC

Hình ảnh trên MRI cho thấy nhiều bất thường ở cột sống thắt lưng. Ảnh BVCC

Bệnh nhân A. được chỉ định thực hiện các xét nghiệm và cận lâm sàng cần thiết để đánh giá tình trạng sức khỏe.

Kết quả MRI cột sống thắt lưng cho hình ảnh thoái hóa các đĩa đệm cột sống thắt lưng; phồng nhẹ đĩa đệm L3/4, L4/5, L5/S1 không chèn ép rễ thần kinh; phù nề dây chằng liên mỏm gai L2/3, L3/4, L4/5; viêm khớp cùng chậu hai bên, ưu thế bên trái.

Ngoài ra, kết quả xét nghiệm máu ghi nhận tăng chỉ số viêm (CRP và máu lắng), HLA B27 dương tính, vitamin D giảm.

Với kết quả lâm sàng, cận lâm sàng đã thực hiện và căn cứ theo tiêu chuẩn ASAS (Assessment of SpondyloArthritis International Society) để chẩn đoán viêm cột sống dính khớp, anh A. được chẩn đoán mắc viêm cột sống dính khớp/ giảm vitamin D. Bệnh nhân được kê đơn thuốc giảm đau, giãn cơ và bổ sung vitamin D.

Bệnh viêm cột sống dính khớp có nguy hiểm?

Theo ThS.BSCKII. Trịnh Thị Nga, Trưởng Chuyên khoa Cơ xương khớp, viêm cột sống dính khớp (AS) là một bệnh viêm khớp mạn tính chủ yếu ảnh hưởng đến cột sống và khớp cùng chậu, nhưng đôi khi cũng có thể tác động đến các khớp ngoại vi như: khớp vai, khớp háng, khớp gối, cổ chân - cổ tay, hoặc các điểm bám gân như: gân achilles, điểm bám gân lồi cầu khuỷu tay, điểm bám gân mấu chuyển lớn xương đùi.

Bệnh thường gặp ở nam giới, với tỷ lệ mắc bệnh ở nam gấp khoảng 3 đến 4 lần so với nữ và thường khởi phát trong độ tuổi từ 15 đến 40.

Nguyên nhân gây bệnh hiện vẫn chưa rõ ràng, nhưng cơ chế bệnh sinh có liên quan chặt chẽ đến yếu tố di truyền, nhiễm khuẩn và các yếu tố môi trường.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Trên 90% bệnh nhân viêm cột sống dính khớp có kháng nguyên HLA-B27 (tỷ lệ này trong dân số nói chung khoảng 4-8%, tùy theo chủng tộc). HLA-B27 được coi là yếu tố gen nhạy cảm, dưới tác động của các yếu tố nhiễm khuẩn (đặc biệt là do các vi khuẩn ở đường tiêu hoá và đường sinh dục tiết niệu) và một số yếu tố thuận lợi (chấn thương, gắng sức, điều kiện vệ sinh, điều kiện sống thấp) làm thay đổi đáp ứng miễn dịch của cơ thể, dẫn đến khởi phát bệnh. Do đó, xét nghiệm HLA-B27 (xét nghiệm di truyền nhằm xác định sự hiện diện của một protein đặc biệt có tên là HLA-B27) rất có ý nghĩa trong chẩn đoán bệnh lý viêm cột sống dính khớp cũng như nhiều bệnh lý tự miễn khác.

Cơ chế sinh bệnh viêm cột sống dính khớp chủ yếu liên quan đến sự hoạt hóa của tế bào lympho T và các cytokine viêm như: TNF-α, IL-17, IL-22 và IL-23. Các chất này gây viêm ở dây chằng, điểm bám gân, khớp - cột sống, từ đó gây tổn thương bào mòn, dính khớp.

Cũng theo bác sĩ Nga, người mắc viêm cột sống dính khớp thường có các biểu hiện sau:

Đau thắt lưng: Cơn đau thường âm ỉ, kéo dài, đôi khi có thể đau tại cột sống cổ, cột sống lưng (cột sống đoạn ngực). Đau tăng lên vào buổi đêm hoặc sau khi nghỉ ngơi dài, cải thiện khi vận động.

Cứng khớp: Thường gặp vào buổi sáng, hoặc khi bất động lâu. Bệnh nhân cảm thấy khó khăn trong việc di chuyển, các cử động bị hạn chế. Cứng khớp thường giảm khi bệnh nhân vận động.

Đau các khớp ngoại vi (vai, háng, gối, cổ tay, cổ chân): Sưng đau, tràn dịch, viêm các gân và điểm bám gân.

Đau vùng mông: Đau âm ỉ ở vùng mông có thể là dấu hiệu của viêm khớp cùng chậu, một dấu hiệu thường gặp trong viêm cột sống dính khớp.

Viêm gân: Gân Achilles là gân thường bị viêm. Ngoài ra, có thể viêm điểm bám gân mấu chuyển lớn xương đùi (đau vùng hông), viêm điểm bám gân khuỷu tay, viêm gân dạng duỗi ngắn...

Viêm màng bồ đào: Bệnh nhân có thể cảm thấy mắt mờ hoặc mất thị lực tạm thời do viêm màng bồ đào.

Viêm ruột: Đau bụng, rối loạn phân, có thể đại tiện phân máu.

Các triệu chứng hiếm gặp: Bao gồm hạn chế hô hấp do tổn thương phổi, giảm độ giãn nở của lồng ngực, tổn thương tim mạch (đặc biệt là động mạch chủ), thiếu máu và vitamin D.

Bác sĩ Nga cảnh báo, nếu không phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời, viêm cột sống dính khớp có thể dẫn đến các biến chứng như: đau mạn tính và tàn tật; tổn thương động mạch chủ, xơ phổi, hội chứng đuôi ngựa (gây nên tình trạng tiểu không tự chủ, tê liệt hai chân vĩnh viễn), rối loạn tâm lý.

Hiện chưa có phương pháp dự phòng bệnh. Người dân cần đến cơ sở y tế uy tín thăm khám sớm khi có biểu hiện bất thường.

Theo VietnamDaily
Thói quen đơn giản giúp tăng tuổi thọ

Thói quen đơn giản giúp tăng tuổi thọ

Tuổi thọ của con người phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Di truyền, môi trường sống, điều kiện kinh tế, xã hội… Tuy nhiên nhiều bằng chứng khoa học cho thấy, chính lối sống, thói quen sinh hoạt đóng vai trò quyết định đến sức khỏe và tuổi thọ.
back to top