Hỏi: Ở khu nhà tôi, nhiều trường hợp bị sốt xuất huyết. Thấy sốt cao, nhiều người truyền dịch nhưng cũng có ý kiến làm vậy không đúng. Xin hỏi, truyền hay không truyền dịch là đúng? Khi nào người bị sốt xuất huyết nên đi viện?
Bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhiệt đới TƯ |
Nguyễn Thị Hương (Cầu Giấy, Hà Nội)
Trả lời: Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trong 3 ngày đầu thường sốt cao, đau đầu, đau mỏi cơ khớp, nên đi khám làm xét nghiệm chẩn đoán mắc sốt xuất huyết Dengue và xét nghiệm chỉ số Hematocrit nền.
Sốt cao kèm theo mất nước, mất cân bằng điện giải nên bù nước điện giải bằng đường uống. Lượng nước uống hàng ngày nên là khoảng 2-3 lít, trong môi trường nhiệt độ trung bình từ 25 đến 30 độ C. Mọi người có thể sử dụng nước hoa quả, nước Oresol, nước cơm, nước bổ sung muối trên thị trường dành cho dân thể thao.
Hạn chế truyền dịch, không tự ý truyền dịch tại nhà. Bởi nếu không truyền đúng loại dịch phù hợp thì làm cho tình trạng rối loạn điện giải nặng hơn. Việc tự ý truyền dịch khi bị sốt xuất huyết có thể dẫn đến phù nề, suy hô hấp và nguy hiểm đến tính mạng.
Sau ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh cần tái khám để đánh giá nguy cơ Dengue nặng (Hematocrit tăng kèm theo tiểu cầu giảm nhanh, tràn dịch màng phổi, ổ bụng, men gan tăng cao) hoặc có các dấu hiệu cảnh báo sau cần đi khám ngay: Khó chịu nhiều mặc dù đã đỡ sốt, đau bụng, nôn ói nhiều, mệt lả, bứt rứt, tay chân lạnh, ẩm, chảy máu mũi, miệng, hoặc xuất huyết âm đạo, thay đổi ý thức như lú lẫn, kích thích, vật vã hoặc li bì.
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây dịch. Virus được truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Bệnh có đặc trưng bởi sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc và tử vong nếu không điều trị đúng và kịp thời.
ThS.BS Trần Văn Bắc (Phó Trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương)