Sống là danh sĩ, chết hóa thần – Kỳ 2: Hộ giá Tây chinh

Không chỉ là 1 trong 10 danh sĩ thời Lê sơ, người mở đầu khoa bảng cho làng Đa Sỹ. Tiến sĩ Hoàng Trình Thanh còn vinh hạnh hai lần hộ giá Tây chinh, giúp nhà Lê bình định bờ cõi.

BÀI LIÊN QUAN

» Sống là danh sĩ, chết hóa thần – Kỳ 1: Yết kiến Lê Lợi, mở nền khoa bảng

Văn bia của vua Lê Thái Tổ khắc vách núi Pú Huổi trên mặt đá phẳng, kích thước 120x60cm, văn bản không trang trí hoa văn. Chữ Hán trên bia khắc theo hàng dọc từ phải sang trái, gồm 3 phần: Đề từ 8 dòng, dòng dài nhất 11 chữ, dòng ngắn nhất 4 chữ. Phần chính văn là một bài thơ ngũ ngôn gồm 5 dòng, mỗi dòng 8 chữ. Cuối cùng là phần lạc khoản 2 dòng, tổng cộng là 15 dòng, cả thảy gồm 132 chữ Hán”.

Tiến sĩ Hoàng Thế Xương.

Văn bia của vua Lê Thái Tổ trên núi Pú Huổi.

Lần thứ nhất

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Tá Nhí, Viện Nghiên cứu Hán Nôm thì quy chế hoạt động thời xưa mỗi khi đất nước lâm nguy, hoặc là do ngoại bang xâm lấn, hoặc là do phiên thần nổi loạn, thì Hoàng đế liền tự cầm quân đi đánh dẹp, dĩ nhiên là nhà vua phải tuyển dụng binh hùng tướng mạnh và các từ thần thân tín tâm đầu ý hợp cùng đi. Tiến sĩ Hoàng Trình Thanh được tham dự hẳn là hạng từ thần thân tín.

Về thời điểm vua Lê Thái Tổ tự cầm quân đi đánh Đèo Cát Hãn ở châu Mường Lễ, các thư tịch Hán Nôm còn lại ghi chép không giống nhau: Sách “Đa Sĩ Hoàng tộc gia phả” ghi: tháng 12 năm Thuận Thiên thứ 6 (1433) Hoàng Trình Thanh hộ tòng đại giá đi đánh giặc ở Lai Châu.Sách “Đại Việt sử kí toàn thư” ghi: Mùa xuân tháng giêng năm Thuận Thiên thứ 5 (1432) sai Thân vương Tư Tề đem quân đi đánh châu Mường Lễ. Đến tháng 11 năm ấy nhà vua tự cầm quân đi đánh châu Phục Lễ.

Các nhà khoa học trong buổi hội thảo về Tiến sĩ Hoàng Trình Thanh.

Sách “Đại Việt thông sử” lại ghi: tháng 12 năm Thuận Thiên thứ 4 (1431) vua sai Tư đồ Lê Sát và Quốc vương Tư Tề dẫn quân đi đánh châu Mường Lễ, sau đó vua lại thân chinh.

Liên tiếp những năm 1430 – 1432, triều Lê phải lệnh các đại thần thân tín và thân chinh nhà vua dẫn quân đi đánh dẹp các cuộc phản loạn. Sau khi dẹp xong loạn tại miền núi xa xôi Tây Bắc năm 1432, Lê Thái Tổ đã ban chiếu nói rõ nguyên nhân phải tự mình dẫn quân: “Trẫm từ khi lên ngôi tới giờ, vẫn muốn tu đức để nước xa tự phục, không hề kỳ thị. Tuy Tù trưởng xứ ấy là Đèo Cát Hãn vẫn quen thói cũ, không lại triều cống, Trẫm đã nhiều lần đem lời tín nghĩa, giảng dụ ân cần, lại hứa sẽ phong cho tước cao, cho hưởng lộc hậu. Nhưng y vẫn lòng lang dạ thú, vẫn giữ chí xưa, vong ân bội nghĩa, trở mặt thành thù”.

Sau khi thắng trận, vua Lê Thái Tổ làm thơ ghi lại chiến công cho khắc vào vách đá núi Pú Huổi bên bờ sông Đà, thuộc địa phận huyện Sìn Hồ (Lai Châu ngày nay). Hơn sáu trăm năm sau, vách đá núi Pú Huổi vẫn bảo lưu nguyên vẹn bài thơ chữ Hán của vua Lê Thái Tổ.

Cũng theo nhà nghiên nghiên cứu Nguyễn Tá Nhí, thì từ năm 2001, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã tổ chức một đoàn cán bộ vượt hơn sáu trăm cây số đường dài đến tận thực địa in dập tấm bia ma nhai này đưa về lưu giữ tại kho sách của Viện.

Niên đại ghi trong bia ma nhai ở núi Pú Huổi đã khẳng định năm Thuận Thiên thứ 4 (1431) vua Lê Thái Tổ thân chinh đánh Đèo Cát Hán như ghi trong “Đại Việt thông sử” của Lê Quý Đôn. Vậy thì niên đại ghi trong “Đa Sĩ Hoàng tộc gia phả” là có lầm lẫn. Tuy nhiên, việc Hoàng Trình Thanh được hộ giá Tây chinh năm Tân Hợi này là có cơ sở để khẳng định.

Một là, ông luôn luôn được vua Lê Thái Tổ tin dùng và giao cho nhiều chức trách quan trọng. Năm 1427 được cử làm Bản phủ học sĩ. Năm 1428 được cất nhắc làm Nội học sinh Trung trù Tống thực.

Năm 1429 dự khoa Minh kinh, được lấy đỗ rồi bổ làm việc ở Ngự tiền Học sinh cục. Năm 1431 dự thi khoa Hoành từ trúng tuyển nên cuối năm được cho đi theo hộ giá Tây chinh.

Văn bia ghi công trạng ở đền thờ Hoàng Trình Thanh.

Hai là, nhiều quan chức đương thời đã khẳng định việc Hoàng Trình Thanh lúc còn trẻ tuổi đã được Lê Thái Tổ tin dùng. Năm Quý Mùi (1463) Hoàng Trình Thanh mất, để lại nỗi tiếc thương cho nhiều người, gia đình bạn bè và các quan đồng liêu đến điếu viếng, có nhiều lời điếu nói đến việc Hoàng Trình Thanh được “kết tri ư Thái Tổ”.

Chẳng hạn như lời điếu của Tả Bộc xạ Lê Hoằng Dục: “Riêng thấy có ông/Sức học đứng đầu Nho tông/Chức vụ làm trong chính phủ/Được nhiều Hoàng đế tin dùng/Đặc biệt được lòng Thái Tổ/Ôi sự nghiệp lớn dường này!/Vì cớ gì mà hạ thọ?/Chỉ một gảy móng tay/Đã thành người thiên cổ”.

Hoặc như thơ điếu của Thượng thư Lương Nhữ Hộc ở Hồng Châu cũng nói đến: “Rừng nho cây lớn chợt điêu tàn/Viễn cận nghe tin lệ chứa chan/Thứ nhất ghế còn trong trong chính phủ/Bốn mùa phong nguyệt lạnh thi đàn/Đất trời cúi ngửa giương đôi mắt/Sống chết buồn vui giữa thế gian/Chỉ hận hưởng niên là hạ thọ/Công danh chưa thỏa hậu nhân bàn”.

Sau này họ Hoàng còn cho tạc tượng Hoàng Trình Thanh để thờ. Khi đến chiêm bái, Lương Nhữ Hộc còn đề bức tán “Thiếu kết tri ư Thái Tổ”: “Thuở trẻ được Thái Tổ biết đến/Lớn lên được Thánh Tông tin dùng/Tài đủ nên đắc dụng/Tôi trung cùng là con hiếu/Làm quan trải bốn triều/Giữ một tiết thủy chung“.

“Theo quan niệm của người xưa, người nào trẻ từ 20 tuổi trở xuống mà đỗ đạt cao thì được gọi là “thiếu tuấn”. Hoàng Trình Thanh được Lê Thái Tổ cho đỗ kho Hoành từ khi ông mới 20 tuổi, nên được người đời khen là “thiếu kết tri ư Thái Tổ”. Do đó đã “kết tri” rồi, nên khi thân chinh đi đánh dẹp miền Tây, vua Lê Thái Tổ đã cho Hoàng Trình Thanh được đi hộ giá“, nhà nghiên cứu Nguyễn Tá Nhí cho hay.

Lần thứ hai

Sách “Đa sĩ Hoàng tộc gia phả” cho biết, tháng giêng năm Thiệu Bình thứ 1 (1434) vua Lê Thái Tông phong Hoàng Trình Thanh làm Cục trưởng Ngự tiền Học sinh cục. Đến tháng 11 năm Thiệu Bình thứ 4 (1437) lại thăng làm Chánh Chưởng Nội Mật viện, rồi cho hộ giá đi chinh phạt Hà Tông Lai. Năm Đại Bảo thứ 1 (1440) lại hộ giá đi đánh Nghiễm Man.

Mộ danh nhân Hoàng Trình Thanh đã được Nhà nước cấp bằng di tích.

Việc Lê Thái Tông thân chinh cũng được các bộ sử ghi nhận. Sách “Đại Việt sử kí toàn thư” và “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” đều ghi việc vua Lê Thái Tông đi đánh Hà Tông Lai ở châu Thu Vật xứ Tuyên Quang xảy ra vào tháng bảy năm Đại Bảo thứ 1 bắt được cha con Hà Tông Lai và Hà Tông Mậu đem về dâng lên thái miếu.

Theo ông Tá, gia phả họ Hoàng ở Đa Sỹ đã tách ra ghi làm hai lần là không đúng, nhưng dù sao cũng cho biết thông tin quan trọng là Hoàng Trình Thanh được Lê Thái Tông cho đi hộ giá Tây chinh.

Ông Nhí đánh giá: Một văn thần tuổi chưa đến 30, trong vòng mười năm được hai vị Hoàng đế nhà Lê cho đi hộ giá Tây chinh, quả là sự kiện hiếm thấy trong lịch sử Việt Nam. Điều ấy cũng thể hiện tài năng, đức độ của Tiến sĩ Hoàng Trình Thanh.

Những đóng góp của Tiến sĩ Hoàng Trình Thanh đã đưa ông lên vị trí nhà chính trị, nhà văn hóa, nhà thơ được tôn kính qua 4 triều vua Lê. Sinh thời, ông luôn giữ được khí tiết, được các đồng liêu suy tôn là bậc “Nho lâm kỳ thụ – Cây đại thụ trong rừng Nho”, là “Nho thần sự nghiệp độc công cao”.

Nhà sử học Lê Văn Lan.

(còn nữa)

Trần Hòa

Theo Đời sống
back to top