Nhưng sau hơn 10 năm chăm sóc, cả chính quyền lẫn người dân đang trong tình trạng "dở khóc dở cười" với cây cao su – loại cây được coi là “vàng trắng” Tây Bắc.
Cao su được coi là “vàng trắng” Tây Bắc, nhưng người dân đang mếu dở khóc dở vì không thu được lợi. |
10 năm đầu tư, thu được 1 triệu đồng!
Cách đây khoảng 10 năm, khi thực hiện chủ trương trồng cây cao su, ông Lường Văn Chương, trưởng bản Lạnh B, xã Tông Lạnh (Thuận Châu) đã góp 1,6ha đất canh tác ngô, sắn hàng năm của mình với thu nhập khoảng 20 triệu/năm để trồng cao su. Khi ấy ông cùng 147 hộ dân khác được điền tên vào danh sách những hộ góp đất (hộ góp nhiều lên đến 7ha).
Với những hộ góp đất từ 1ha trở lên sẽ có một “suất” làm công nhân cho Công ty Cổ phần Cao su Sơn La (Cty Cao su). Từ khi góp đất, nguồn thu nhập chính của các gia đình phụ thuộc vào đồng lương công nhân thời vụ. Theo ông Chương, trong vòng hai năm cạo mủ, Cty Cao su chia cổ phần cho gia đình ông được 1 triệu đồng.
“Từ ngày đầu tiên đã có rất nhiều ý kiến là có trồng được cao su ở Tây Bắc không, sống được không, ra mủ không, giá thế nào? Bước đầu đúng là gặp nhiều khó khăn so với Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Năm 2010-2011, rét quá làm một số diện tích cao su chết. Người dân so sánh trồng cao su không bằng trồng ngô, nhưng họ không tính vốn giống, công chăm”, ông Hồ Anh Đức, TGĐ Cty CP Cao su Sơn La.
Ông Trần Hữu Hùng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thuận Châu, cho biết: “Lúc trồng thì giá mủ cao su hơn 100 triệu/tấn, giờ chỉ còn 30 triệu/tấn. Bà con kêu ca quá nhiều vì họ nhận lợi tức cổ phần chỉ đủ mua bao gạo. Bây giờ toàn huyện ký hợp đồng đến 90% nên mất mát là rất khó giải quyết”.
Theo tìm hiểu của PV báo KH&ĐS, hàng nghìn hộ dân ở tỉnh Sơn La đã góp đất với Cty Cao su, trong đó chủ yếu là đất nương rẫy của hộ gia đình canh tác lâu năm, là diện tích được UBND huyện giao ổn định để sử dụng lâu dài. Ban đầu khi góp đất chỉ ghi vào danh sách, sau đó Phòng TN&MT huyện cấp sổ đỏ. Sau khi có sổ đỏ thì phía Cty Cao su mới tiến hành ký kết với người dân, và toàn bộ sổ đỏ được cấp do Chi nhánh Văn phòng quản lý đất đai của Sở TN&MT ở các huyện nắm giữ, bảo quản.
Do các hộ không được tiếp cận với hợp đồng nên không biết nghĩa vụ và quyền lợi của mình là gì. Họ chỉ biết thông qua các cuộc họp miệng mà công ty/xã họp với dân và thông báo rằng đất họ góp tương đương 10% giá trị đầu tư cho 1ha và khi cao su đến tuổi khai thác, họ sẽ được hưởng 10% lợi nhuận.
Người dân Sơn La muốn cây cao su để quay lại trồng ngô, khoai, sắn. |
Dân đòi lại nương rẫy
Khi chưa có dự án trồng cây cao su, cuộc sống của bà con ở tỉnh Sơn La tương đối ổn định. Đến nay, sau 10 năm thì cuộc sống lại đảo lộn. Lợi nhuận từ cây cao su không bằng một phần của ngô, khoai, sắn… nên nhiều gia đình bức xúc đòi lại đất.
Anh Lường Văn Bui, xã Mường Bon (Mai Sơn) cũng như 10 hộ dân ở huyện Quỳnh Nhai tái định cư về đây để nhường đất cho thuỷ điện. Năm 2008 cũng là thời điểm trồng cao su đang được tiến hành và những hộ định cư mới này cũng góp đất theo chủ trương đền bù của nhà nước (mỗi hộ được cấp 1.5ha/gia đình 4 người; 2ha/gia đình 6 người).
“Không còn đất làm nương rẫy nên hàng chục năm, chúng tôi phải đi làm thuê kiếm tiền. Khi “vỡ mộng” đầu tư cao su, chúng tôi muốn đòi lại đất góp vốn để làm nương rẫy thì Cty Cao su nói phải đóng 800 triệu đồng/ha mới trả”, một người dân cho hay.
Thời gian qua, nhiều người dân Sơn La đã kiến nghị các giải pháp để giải quyết vấn đề hiện tại bao gồm những mong muốn, như: Cty Cao su tăng mức lợi tức đền bù lại những mất mát của dân; mức lợi tức ít nhất phải tương đương với canh tác ngô hoặc sắn (20-30 triệu/ha/năm); hoặc Cty Cao su phải trả lại đất cho dân để dân canh tác nương rẫy.
Ba tỉnh có diện tích trồng cao su nhiều nhất là Lai Châu 9.700ha, Sơn La 6.700ha, Hà Giang 4.400ha. |
Hàng trăm công nhân nghỉ việc
Theo tìm hiểu của KH&ĐS, trước khi việc dự kiến chuyển cây cao su ra khỏi đất của người dân, ngày 28/10/2018 một cuộc đối thoại tại UBND xã Mường Bon với sự tham dự của Bí thư huyện ủy Mai Sơn, lấy ký kiến khắc phục. Tuy nhiên mọi việc đến nay vẫn chỉ dừng lại ở đối thoại. Chính vì thế, vừa qua hơn 300 người ở xã Mường Bon vốn là công nhân cao su đã xin nghỉ việc, xin rút bảo hiểm.
UBND tỉnh Sơn La đưa ra Nghị quyết trồng cao su, dân góp đất trồng cao su trở là chính sách của tỉnh. Do vậy, cán bộ địa phương được giao nhiệm vụ trong việc đi vận động các hộ góp đất. Nói cách khác, mô hình này không phải là cơ chế thị trường, hoạt động theo các giao dịch dân sự, mà có sự can thiệp trực tiếp của chính quyền.
Tuy nhiên, hiện nay thị trường có rủi ro và chính quyền hoàn toàn không có cơ chế giải quyết. Điều này thể hiện mâu thuẫn ngay từ đầu khi thực hiện mô hình. Sự tham gia của chính quyền địa phương trong việc hình thành mô hình phản ánh những lệch lạc trong việc thiết lập và vận hành mô hình.
Ngay từ năm 2015, Công ty cổ phần Cao su Sơn La đã chặt bỏ hàng chục hecta cao su đến tuổi thu hoạch vì sản lượng không như mong muốn. |
Ông Nguyễn Thế Luận - Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo phát triển cây cao su tỉnh Sơn La, cho biết: Tỉnh đã nắm được những khó khăn của nông dân và đã có những giải pháp thiết thực để góp phần tháo gỡ.
Dự án trồng cao su ở Sơn La từng được các chuyên gia kinh tế và môi trường kỳ vọng sẽ nâng cao đời sống kinh tế của người dân, và cải tạo môi trường trong việc chống xói mòn và phủ xanh đồi núi trọc. Tuy vậy, cho đến nay thì cả chính quyền lẫn người dân đều “vỡ mộng” giấc mơ về cây “vàng trắng” vùng Tây Bắc.
“Đầu tiên mới khai hoang thì nhiều việc, nhưng khai hoang xong thì việc cứ ít dần, công nhân bỏ nhiều. Công nhân cạo mủ cao su đi từ 3-4 giờ sáng; địa phương có 61 công nhân, 40 công nhân có đóng bảo hiểm, còn 21 công nhân theo thời vụ. Lương trung bình bây giờ chỉ 1,2 triệu/tháng”, Ông Lường Văn Hạnh, Phó chủ tịch UBND xã Tông Lạnh (Thuận Châu – Sơn La).