Theo Đông y, sầu riêng có vị ngọt, tính hơi ấm. Tác dụng bổ hư, dưỡng tỳ, trợ thận, ăn rất tốt với người suy nhược, thận khí suy, sinh lý yếu, trẻ em còi, người lớn khó tăng cân, dùng trái chín ăn tươi, hoặc phơi khô.
Vỏ quả sầu riêng có vị đắng, tính ấm, có tác dụng ích khí, tiêu thực, cầm mồ hôi, làm ấm phổi để chữa ho, thường được dùng làm thuốc bổ khí, chữa đầy bụng, khó tiêu, ho do hàn, cảm sốt. Ngày dùng 15 - 20g, thái nhỏ phơi khô nấu nước, hoặc phối hợp vị thuốc khác sắc uống uống.
Về thành phần dinh dưỡng, trong 100g cơm sầu riêng có 37,14% nước, 6,38% chất đạm, 2,7 chất béo, 16,2% chất đường và nhiều chất khác đều là dưỡng chất cần thiết cơ thể. Theo Tổ chức Lương nông Thế giới (FAO), sầu riêng có hàm lượng protein, glucid, lipid, các chất khoáng và giá trị năng lượng cao hơn rất nhiều so với các loại trái cây khác. Sầu riêng có chứa một lượng vitamin B khá cao, giúp ngăn ngừa lão hóa và bệnh tim, giúp tăng HDL (cholesterol tốt), giảm trầm cảm. Mặc dù là loại quả ngọt nhưng sầu riêng chứa rất nhiều vitamin C, giúp cơ thể chống lại bệnh tật, hỗ trợ chữa lành vết thương, cải thiện lưu lượng máu. Sầu riêng cũng chứa nhiều kali - một chất điện phân quan trọng giúp kiểm soát huyết áp, giữ cho nồng độ natri ở mức độ cho phép và giúp điều hòa nhịp tim. Ngoài ra, sầu riêng chứa nhiều axit folic, giúp ngăn ngừa bệnh tim, hỗ trợ chức năng não.
Tuy nhiên, sầu riêng cũng như các loại trái cây ngọt khác có nhiều chất bột đường, ăn nhiều có thể người nóng nhiệt, đổ gèn nổi mụn, tăng cân.
Lương y Phan Thị Thạnh (Hội Đông y Vũng Tàu)