Sắt và sức khỏe phụ nữ

(khoahocdoisong.vn) - Sắt là một vi chất dinh dưỡng cần thiết đối với cơ thể. Sắt tham gia thành phần của huyết cầu tố (Hb), nên cần thiết cho việc vận chuyển ôxy và cacbonic trong máu, sắt còn là thành phần của một số enzym như cytochrom trong cơ chế sinh nhiệt và các loại enzym của hệ thống miễn dịch. Với phụ nữ, sắt càng quan trọng vì thiếu máu thiếu sắt thường hay gặp ở phụ nữ, nhất là phụ nữ ở lứa tuổi sinh đẻ và cả ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

Thiếu sắt giảm khả năng làm việc

Thiếu máu ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và vẻ đẹp của người phụ nữ. Một người phụ nữ không thể coi là đẹp được khi có nước da xanh xao, ốm yếu. Mặt khác  thiên chức làm mẹ cũng vô cùng quan trọng, nếu một phụ nữ bị thiếu sắt dẫn đến thiếu máu sẽ ảnh hưởng đến em bé từ ngay thời kỳ bào thai, sẽ bị sảy thai, đẻ non, suy dinh dưỡng bào thai, hoặc thiếu máu từ trong bụng mẹ; bà mẹ có thể bị băng huyết khi sinh con- một tai biến sản khoa rất nguy hiểm.

Như vậy, thiếu máu do thiếu sắt ở phụ nữ còn ảnh hưởng cả đến thế hệ mai sau, ảnh hưởng ngay cả đến tính mạng của người phụ nữ khi sinh nở. Ngoài ra thiếu sắt ảnh hưởng đến khả năng lao động. Cứ thiếu 10% Hb đã giảm đi 10 -20% khả năng làm việc, làm giảm khả năng nhận thức và ứng xử, giảm khả năng miễn dịch, tăng nguy cơ mắc các bệnh khác.

Biểu hiện của thiếu sắt

Vì sắt là thành phần của huyết cầu tố, nên biểu hiện của thiếu sắt là thiếu máu với các biểu hiện: da xanh, niêm mạc nhợt, biểu hiện rõ nhất là niêm mạc mắt và môi, móng tay chân trắng nhợt, có khía dễ gãy, vì thiếu máu nên vận chuyển oxy lên não kém, dẫn đến thiểu năng tuần hoàn não nên thường có biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, ù tai, đau đầu, người mệt mỏi, hay ngủ gật.

Sắt tham gia hệ thống miễn dịch nên người thiếu sắt thường bị suy giảm hệ thống miễn dịch hay bị ốm đau: hay bị nhiễm khuẩn đường hô hấp và tiêu hóa, ngoài ra còn có biểu hiện tóc khô cứng, dễ rụng, dễ gãy. Nhưng nhiều khi bị thiếu sắt nặng mới có các biểu hiện trên, vì vậy cần làm xét nghiệm định lượng sắt trong huyết thanh hoặc tốt nhất là định lượng feritin huyết thanh để biết sớm tình trạng thiếu sắt.

Có nhiều nguyên nhân gây thiếu sắt như khẩu phần ăn không đủ sắt, hấp thu sắt kém hoặc nhu cầu sắt tăng thường gặp trong thai nghén hoặc mất máu mạn tính, phụ nữ bị rong kinh, kinh nguyệt kéo dài, người bị viêm loét dạ dày hành tá tràng, viêm đại tràng mạn tính. Nhiều trường hợp trong chế độ ăn có chất ức chế hấp thu sắt như uống nhiều nước chè vì trong chè có nhiều tanin gây ức chế hấp thu sắt, những trường hợp bị nhiễm giun sán cũng rất dễ bị thiếu sắt, nhất là bị giun móc làm chảy máu mạn tính, là nguyên nhân gây thiếu máu do thiếu sắt hay gặp. 

Khi có thai phụ nữ nên uống viên sắt từ khi biết mình có thai cho đến sau khi sinh 1 tháng, nếu ăn uống kém thì có thể tiếp tục uống trong thời gian nuôi con bú. Những người mắc các bệnh mạn tính: Viêm loét dạ dày hành tá tràng, viêm đại tràng mạn, những người ăn uống kém và những người có các biểu hiện thiếu máu do thiếu sắt thì cũng cần phải bổ sung viên sắt.

Sắt có nguồn gốc động vật tốt hơn thực vật

Tuy nhiên cách tốt nhất để dự phòng thiếu sắt cũng như các vi chất dinh dưỡng khác là dùng chế độ ăn. Nên chọn các thực phẩm giàu sắt trong bữa ăn hàng ngày. Sắt có trong thực phẩm có nguồn gốc động vật và thực vật, sắt có nguồn gốc động vật thì tốt hơn, vì khả năng hấp thu cao hơn. Thức ăn động vật chứa nhiều sắt bao gồm: Gan các loại động vật như  lợn, gà, vịt, bò, trâu…và các phủ tạng khác như tim, bầu dục, đặc biệt trong tiết hàm lượng sắt rất cao. Ngoài ra các loại thịt gà, bò, lợn cũng chứa nhiều sắt. Lòng đỏ trứng và các loại hải thủy sản cũng chứa nhiều sắt. 

Trong các thức ăn nguồn gốc thực vật thì sắt có nhiều trong đậu đỗ, các loại rau màu xanh thẫm: rau muống, mồng tơi, rau đay.. cũng chứa nhiều sắt. Ngoài ra, hiện nay có nhiều loại thực phẩm được tăng cường sắt như nước mắm có bổ sung sắt, bánh quy, bột dinh dưỡng cho trẻ em.

Muốn sắt hấp thu được tốt cần ăn đầy đủ và thường xuyên các thực phẩm có chứa nhiều sắt, nhất là các thực phẩm có nguồn gốc động vật, ăn nhiều quả chín để tăng cường lượng vitamin C trong khẩu phần ăn, một yếu tố quan trọng góp phần tăng cường hấp thu sắt, không nên uống nước chè sau bữa ăn vì trong chè có tanin và polyphenol ức chế hấp thu sắt. 

Theo Đời sống
Cách tránh hạ canxi máu sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm

Hạ canxi máu nguy hiểm thế nào?

Hạ canxi máu là bệnh lý nguy hiểm. Tình trạng hạ canxi máu kéo dài có thể dẫn đến suy tim, động kinh, loạn nhịp tim, lú lẫn, suy giảm trí nhớ, trầm cảm và ảo giác. Bệnh có thể điều trị được nếu phát hiện kịp thời.
back to top