Dịch Covid-19 được ví như một cơn địa chấn, tấn công vào đời sống của mọi thành phần xã hội, từ những người dư giả, cho đến những mảnh đời khốn khó, mọi ngành nghề đều cuốn vào vòng xoáy của nó, trong đó có cả những nghệ sĩ.
Đời sống nghệ thuật nước nhà ảm đạm, kéo theo đó là sự khó khăn nhọc nhằn với nhiều nghệ sĩ thuộc các đoàn nghệ thuật vốn đã khá èo uột, duy trì hoạt động 2 năm qua, khi nguồn thu không có.
* Hủy hợp đồng, cắt giảm lương
Nhà hát Cải lương Việt Nam hiện phải chấm dứt hợp đồng với một số diễn viên để chuyển qua hợp đồng công việc. Bởi theo quy định tại Nghị định 161, các Nhà hát lấy tiền thu từ sự nghiệp để trả lương diễn viên hợp đồng, nay mọi nguồn thu từ biểu diễn đều không còn nên mọi khoản chi đều phải cắt giảm. NSND Triệu Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam - chia sẻ chưa biết sẽ phải trả lương các nhạc công chủ chốt, diễn viên trẻ bằng cách nào.
Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn thì bày tỏ lo lắng: “Nhà hát không biểu diễn được, nên không có nguồn thu. Nghệ sĩ cũng không tập luyện được vì nhà hát không có tiền trả. Chúng tôi hiện không có kinh phí để nuôi con người, nghệ sĩ bỏ đi là chuyện rất bình thường”.
Từ giữa tháng 6, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam đã ra thông báo gửi cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên về việc tạm thời cắt giảm 50% lương trong 2 tháng. Là đơn vị nghệ thuật tự chủ, mọi nguồn thu đều được lấy từ các hoạt động nghệ thuật, song vì dịch bệnh, mọi hoạt động kinh doanh nói chung, hoạt động nghệ thuật của nhà hát nói riêng đều bị tạm ngừng, Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ đóng cửa, các dịch vụ căng tin ngừng hoạt động, cũng đồng nghĩa với việc không có nguồn thu. Vì sự tồn tại của nhà hát, ban lãnh đạo đã kêu gọi sự chung vai gánh vác của mỗi thành viên.
“Biết rằng chúng ta sẽ hụt hẫng bởi chúng ta yêu và sống bằng nghề, đam mê và khát vọng được sáng tạo, được đứng trên sân khấu, cống hiến cho khán giả, nhưng lúc này đây, cần lắm những cái nắm tay thật chặt, đoàn kết cùng nhau bước qua mọi khó khăn, thách thức”, thông báo nêu rõ.
* Nghệ sĩ nhọc nhằn mưu sinh
NSƯT Thanh Hoa - Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam - chia sẻ: "Sốc chứ, giảm, chúng tôi cắt giảm tối đa, chỉ chi tiêu những thứ cực kỳ cần thiết".
Để mưu sinh, đội ngũ nghệ sĩ đã phải làm thêm, xoay sở đủ nghề, để tự nuôi đam mê nghệ thuật. Nghệ sĩ múa rối Thu Huyền lần đầu tiên phải xoay sở tìm việc làm thêm vì sân khấu múa rối chưa bao giờ tắt đèn trong hơn 20 năm chị theo nghiệp diễn.
"Thật ra tôi cũng không bán được nhiều vì hiện giờ nhiều người bán hàng online quá, bán đủ thứ. Đợt này các nghệ sĩ nhà hát cực kỳ khó khăn, 2 năm nay mọi người không được diễn. Ngoài vấn đề kinh tế thì mọi người thực sự rất yêu nghề, và rất nhớ nhà hát, nhớ nghề, nhớ khán giả" - NSƯT Thu Huyền, Nhà hát Múa rối Thăng Long, bày tỏ.
Diễn viên xiếc Văn Quân mới được vào biên chế sau 6 năm theo nghề và nhận mức lương hạng 4 từ năm ngoái, khoảng 3 triệu đồng/tháng. Từ khi dịch bùng phát, lịch diễn không có, mọi chi phí sinh hoạt của chàng trai 27 tuổi chỉ gói gọn trong 3 triệu đồng. Không thể thuê nhà, anh được Liên đoàn xiếc Việt Nam cho mượn nhà kho cải tạo thành chỗ ở.
Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhiều tháng qua, không chỉ riêng đơn vị hoặc ngành giải trí bị đình trệ mà cả xã hội đều rất khó khăn. Diễn viên Minh Cúc - Nhà hát Tuổi trẻ, kể: "Anh chị em trong nhà hát chúng tôi dường như đều đã tạm ngừng hoạt động từ khi có lệnh giãn cách xã hội tới nay. Khó khăn lớn nhất mà dịch bệnh mang lại đó là kinh tế bị suy giảm, công việc bị đình trệ. Thú thực, nhiều ngày không có việc làm cộng thêm áp lực về kinh tế khiến bất cứ ai cũng stress.
Để không quá bị động về kinh tế, tôi tính toán chi tiêu thật tiết kiệm. Những khoản chi thông thường như ăn hàng, café, mua sắm linh tinh… tôi hầu như đã cắt bỏ hoàn toàn, chỉ ăn cơm nhà và dành nhiều thời gian để ở nhà nên cũng không quá tốn kém".
"Hiện tại, tôi cũng đã phải dùng tới những đồng tiền tích cóp từ trước đó. Vì hiện tại, ngoài số lương ở nhà hát, tôi gần như không có thu nhập bên ngoài. Đôi lúc, tôi cũng lo lắng vì áp lực tiền bạc, nhưng tôi tin là tình hình sẽ dần tốt lên thôi. Hơn nữa, tôi cũng may mắn được sự hỗ trợ rất lớn từ chính gia đình mình" - chị nói.
"Trong giai đoạn này, cơm áo gạo tiền là nỗi lo chung chứ không của riêng ai" - diễn viên Minh Cúc - Nhà hát Tuổi trẻ, bày tỏ và chia sẻ thêm rằng: "Tôi vốn là người lạc quan nên không lo lắng hay buồn bã quá nhiều, bởi suy cho cùng thì lo lắng, rầu rĩ chẳng giúp gì được cho chúng ta cả.
Hiện tại tôi vẫn đang đóng phim truyền hình Hương vị tình thân, cùng ê-kíp tiến hành quay. Thời gian được nghỉ, tôi ở nhà chăm sóc con gái và gia đình. Tôi tin rằng mọi chuyện sẽ sớm tốt đẹp.
Tôi vẫn tiết kiệm nhưng nếu tình hình kéo dài thì đây không phải cách hay. Điều tôi mong muốn nhất là dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát, cuộc sống sẽ trở về trạng thái bình thường".