Trong văn bản của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Thủ tướng Chính phủ cho biết, dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều diễn viên bỏ nghề, các nhà hát loay hoay tìm đường sống. Nhiều người trẻ bỏ phố về quê vì không đủ sức bám trụ ở thành phố. Những người chọn ở lại Hà Nội, TPHCM mưu sinh bằng nhiều nghề như chạy xe ôm, làm shipper, bán đồ ăn online.
Do đó, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch kiến nghị hỗ trợ 2.000 viên chức - là các đạo diễn, diễn viên, họa sĩ tại 100 đơn vị công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn đang hưởng lương hạng bốn (mức thấp nhất theo quy định) - được nhận 1,8 triệu đồng mỗi người trên tháng, được hỗ trợ ba tháng, chi trả trong một lần.
Ngoài ra, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đề nghị hỗ trợ gói tương đương cho người lao động là hướng dẫn viên du lịch, bị mất việc làm do ảnh hưởng dịch. Hiện tổng số hướng dẫn viên được cấp thẻ trên toàn quốc là 26.721 người.
Theo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, lao động nghệ thuật biểu diễn là loại lao động đặc thù, phải có năng khiếu và đào tạo từ nhỏ. Nhưng thời gian hoạt động biểu diễn nghệ thuật của nghệ sĩ rất ngắn, bình quân khoảng từ 15 - 20 năm, đến độ tuổi từ 30 - 40 (đối với nữ) và 40 - 45 (đối với nam) khả năng biểu diễn của nghệ sĩ bị suy giảm, không thể đáp ứng được đòi hỏi về chuyên môn của nghề nghệ thuật biểu diễn.
Thực tế theo thang bảng lương nhà nước, mặc dù có tài năng, năng khiếu, được đào tạo công phu nhưng khi được tuyển dụng vào viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập, đội ngũ nghệ sĩ được xếp lương như đối với các ngành nghề khác (xếp lương theo trình độ đào tạo lên lương theo niên hạn trung bình 2 năm nâng 1 bậc lương đối với hạng IV, mức lương khởi điểm hệ số 1,86 x mức lương cơ sở 1.490.000đ) thì đối tượng viên chức là nghệ sĩ hiện nay không thể đi hết các bậc lương trong ngạch khi tuổi nghề ngắn.