Dễ nhất là chế biến rau khoai lang xào tỏi ăn vừa mềm, vừa thơm ngon, dễ tiêu hóa. Ở một số địa phương, nhân dân hay nấu canh rau khoai lang với xì dầu: Phi hành tím thơm lên rồi cho nước vào, cho chút xì dầu vào, nước sôi thả rau vào nấu ăn, nêm thêm gia vị cho vừa, rau chín bắc ra ăn ấm. Rau lang xào mẻ, rau lang nấu nấm rơm đều là món ăn ngon, mát bổ.
Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, giá trị dinh dưỡng trong rau khoai lang còn tốt hơn trong củ. Vitamin B6 trong lá khoai lang cao gấp 3 lần trong củ khoai lang, vitamin C cao gấp 5 lần, chất riboflavin (vitamin B2) cao gấp 10 lần. Rau khoai lang giàu chất diệp lục giúp làm sạch máu, loại bỏ độc tố trong cơ thể. Rau khoai lang có tính bình, vị ngọt, không độc, bổ hư tổn, ích khí lực, kiện tỳ vị, bổ thận âm, không chỉ giàu dinh dưỡng mà còn bổ dưỡng.
Rau khoai lang dễ trồng, không cần chăm bón nhiều, rau non hái nấu canh hoặc luộc, xào để trị táo bón. Trong lá rau khoai lang chứa 1,95 – 1,97% chất nhựa tẩy có tác dụng nhuận tràng, rau có vị ngọt, thanh mát, hàm lượng chất xơ dồi dào giúp giảm táo bón hiệu quả. Ăn rau khoai lang giúp làm mát cơ thể, thanh nhiệt, thải độc, giảm nóng trong. Rau khoai lang chứa một loại protein có khả năng chống oxy hóa hiệu quả.
Đối với người mắc bệnh tiểu đường, trong rau khoai lang, nhất là khoai lang đỏ có chứa chất gần giống với insulin, giúp hạ đường huyết, giảm lượng đường trong máu. Những bệnh nhân đái tháo đường vì thế được khuyên ăn rau khoai lang thường xuyên. Với những người phải làm việc nhiều với máy tính, trẻ học hành căng thẳng, phải sử dụng mắt nhiều có thể ăn rau khoai lang xào cùng gan gà, gan lợn để ăn tuần 1 - 2 lần, giúp sáng mắt. Ngoài tác dụng là rau mát bổ, thanh nhiệt, thải độc, phòng chống táo bón, rau lang còn có nhiều tác dụng khác, vì vậy bà các bà mẹ nên đưa loại rau này vào thực đơn cho trẻ, đặc biệt trong những ngày hè.
BS Quang Anh (Vĩnh Hồ, Hà Nội)