Răng hỏng là thủ phạm gây nhiều bệnh

90% người Việt sâu răng, viêm lợi, mất răng… do sai lầm trong vệ sinh răng miệng. Răng hỏng có thể gây ra đau đầu, liệt cơ, méo miệng, đau tim…

Rụng răng ở người cao tuổi sẽ ảnh hưởng tới chức năng nhai và hệ tiêu hóa.

Sai lầm trong vệ sinh răng miệng

Ths. Bs Nha khoa Trần Đức Trinh, Giám đốc, Phụ trách chuyên môn phòng khám Nha Khoa Beauty Dental trực thuộc Công ty Cổ phần Beauty Dental, răng miệng là một bộ phận đặc biệt quan trọng trong cơ thể. Hàm răng hỏng cùng các bệnh về răng miệng như sâu răng, viêm lợi, viêm nướu hoặc nhiễm trùng nha chu… sẽ kéo theo nhiều hệ lụy tới sức khỏe tổng thể. Cụ thể là gây ra các bệnh về đường tiêu hóa, đau đầu, viêm xoang, liệt cơ, méo mồm, tiểu đường, đau tim…

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều người mắc bệnh răng miệng là kiến thức hạn chế. Nhiều người chỉ súc miệng, đánh răng buổi sáng hoặc đánh qua loa không sạch. Bên cạnh đó, người dân không kiểm tra sức khỏe răng miệng thường xuyên và không có kiến thức chăm sóc răng miệng.

Viêm nha chu được xem là căn bệnh răng miệng nguy hiểm nhất. Các nghiên cứu cho thấy vi khuẩn gây viêm nha chu có thể xâm nhập vào máu thông qua mô nướu, ảnh hưởng đến tim, phổi và các bộ phận khác của cơ thể. Nhiều nghiên cứu cũng phát hiện viêm nha chu có thể liên quan đến bệnh hô hấp, viêm khớp dạng thấp, bệnh động mạch vành hoặc đột quỵ…

Biểu hiện dễ thấy ở bệnh này là nướu bị sưng chuyển sang màu đỏ sậm hoặc tím; mềm khi chạm vào; dễ chảy máu; răng trông dài hơn bình thường do tụt nướu; xuất hiện các kẽ hở giữa răng; xuất hiện mủ giữa răng và lợi; răng lung lay; đau nhức răng; khớp cắn thay đổi. Bệnh này gây ra bởi sự tích tụ mảng bám trên răng, phá hủy bên trong lợi và xương, đồng thời cũng liên quan đến quá trình lão hóa. Nếu không điều trị kịp thời sẽ biến chứng mất răng.

Các chứng bệnh liên quan đến răng

BS Trần Đức Trinh cũng cảnh báo, khi răng không khỏe mạnh, chức năng nhai và nghiền thức ăn bị ảnh hưởng, hạn chế hấp thu chất dinh dưỡng ở dạ dày và ruột. Vì vậy, người răng hỏng dễ mắc các bệnh về hệ tiêu hóa. Ngoài ra, đau răng có thể gây ra tình trạng chán ăn, sụt cân, thiếu chất dinh dưỡng nếu kéo dài.

Thực tế đã chứng minh sâu răng dẫn đến bị viêm tủy. Đây là nguyên nhân khiến người bệnh có cảm giác đau đầu dữ dội bởi răng sâu ảnh hưởng đến dây thần kinh số VII và V. Ngoài ra, người ta đã tìm thấy mối liên hệ giữa viêm xoang với nhiễm trùng răng. Các bệnh nhiễm trùng ở răng miệng là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây viêm xoang, viêm mũi bởi chân răng (răng hàm trên) nằm sát xoang hàm.

Khi vùng bị sâu lan rộng sẽ làm tổn thương xoang, gây nên những cơn đau nhức dữ dội. Ngoài ra, răng không khỏe mạnh cũng có thể gây ra viêm họng, thậm chí gây ảnh hưởng xa hơn như tim, thận, khớp vì vi khuẩn nha chu và độc tố của chúng gián tiếp tác động lên gan làm sản sinh những chất có hại cho hệ thống tim mạch.

Vi khuẩn cũng theo đường tuần hoàn máu đến các tế bào và gây nên hiện tượng “kháng insulin”, khiến tuyến tụy phải cố gắng tăng tiết insulin. Nếu tình trạng này kéo dài, tuyến tụy sẽ suy nhược dẫn đến bệnh tiểu đường. Thậm chí theo một nghiên cứu khoa học, nhiễm trùng nha chu khi đang mang thai còn có khả năng gây nên sự giãn nở và co thắt tử cung dẫn đến sinh non.

Răng liên quan đến thần kinh số III, ảnh hưởng hai hàm và mắt. Dây thần kinh số VII chạy phía trong hàm trên nếu bị ảnh hưởng, có thể gây liệt mặt hoặc méo mồm. Điều này không phổ biến tuy nhiên vẫn có thể xảy ra khi nhổ răng số 8. Khi bị tiêu do mất răng, hai má hóp vào, da mặt bị chảy xệ, vùng da xung quanh miệng xuất hiện nếp nhăn làm cho khuôn mặt trông già đi rất nhiều so với tuổi thật.

TS Trịnh Đình Hải, Chủ tịch Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam khuyến cáo, tuyệt đối không coi thường vấn đề sức khỏe răng miệng. Có nhiều người Việt Nam cả đời không đi khám răng miệng vì nghĩ rằng răng chỉ là một bộ phận làm nên dáng vẻ bề ngoài cho cơ thể mà không lường hết những bệnh nguy hiểm có thể gặp phải. Đánh răng ít nhất 2 phút/lần, 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng và buổi tối trước khi ngủ. Dùng chỉ nha khoa trước khi đánh răng giúp loại bỏ các vụn thực phẩm và vi khuẩn mắc kẹt trong kẽ răng.

Thường xuyên khám nha khoa, thực hiện lấy cao răng định kỳ, ít nhất là mỗi lần 6 đến 12 tháng. Nếu thuộc nhóm có nguy cơ tăng bệnh viêm nha chu như bị khô miệng, uống một số loại thuốc hoặc hút thuốc thì cần phải tăng cường làm sạch răng miệng thường xuyên hơn.

Nhật Nam

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top