Quyết dập "ổ dịch" ở Vĩnh Phúc

(khoahocdoisong.vn) - UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định khoanh vùng cách ly “nội bất xuất, ngoại bất nhập” xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên trong vòng 20 ngày. Người dân trong vùng cách ly được hỗ trợ tiền ăn và đảm bảo việc cung ứng các hàng hóa, đồ ăn uống phục vụ nhu cầu thiết yếu. Bộ Y tế cử tổ công tác trực 24/24 tại Vĩnh Phúc.

Cách ly Sơn Lôi 20 ngày

Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước ghi nhận trường hợp lây nhiễm tại cộng đồng. Tính đến ngày 13/02/2020, tại tỉnh Vĩnh Phúc đã ghi nhận 11 trường hợp mắc tại 03 huyện là Bình Xuyên (09 trường hợp), Tam Đảo (01 trường hợp) và Tam Dương (01 trường hợp), trong đó đã có 05 trường hợp mắc do lây truyền thứ phát tại địa bàn huyện Bình Xuyên.

Ngày 12/2, tại cuộc họp ban chỉ đạo Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid- 19, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Việt Nam là nước có nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao, nhưng đến thời điểm này, số ca nhiễm bệnh của nước ra rất ít, dịch bệnh đang được kiểm soát tốt.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và tỉnh Vĩnh Phúc không chỉ tập trung cho công tác điều trị mà cần nhanh chóng khoanh vùng dập dịch ngay từ tuyến xã. Ngoài đội đáp ứng nhanh Bộ Y tế đã cử xuống, có thể cử thêm cán bộ y tế tuyến trên xuống tăng cường sàng lọc, khám và điều trị cho người dân ngay tại cộng đồng. Tuyệt đối không để xảy ra hiện tượng trốn khỏi khu cách ly như đã từng xảy ra tại khu cách ly tỉnh Lạng Sơn.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ, Vĩnh Phúc đã thành lập ngay Ban chỉ đạo phòng chống dịch; xây dựng và triển khai Kế hoạch phòng chống dịch, ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh; tạm dừng tất cả các hoạt động chưa cấp thiết để tập trung toàn lực cho công tác phòng, chống dịch; dừng toàn bộ các hoạt động tập trung đông người, các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí, du lịch trên địa bàn và cho học sinh nghỉ học đến 22/02...

Đặc biệt, tỉnh tiến hành khoanh vùng, cách ly khu vực có dịch tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên. Tại xã Sơn Lôi, thành lập 8 chốt kiểm soát “nội bất xuất, ngoại bất nhập” trong vòng 20 ngày (tính từ ngày 13/2), đồng thời, phun khử trùng, tiêu độc, huy động tối đa các lực lượng, nhất là lực lượng y tế để kiểm soát tình hình sức khỏe của người dân.

Mọi hoạt động tập trung đông người, kinh doanh nhà hàng, karaoke phải đóng cửa. Hàng hóa, thực phẩm sẽ được cung cấp hàng ngày thông qua một đơn vị cung ứng. Mọi hoạt động đi lại đều được kiểm soát.

Toàn bộ 12.000 người dân thuộc 13 thôn trong toàn xã được phân thành ba nhóm cách ly: Nhóm 1 – người đã mắc bệnh; Nhóm 2 - nhóm ho, sốt cao hoặc có yếu tố dịch tễ; Nhóm 3 - nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao, tiếp xúc gần với người bệnh. Trong đó, nhóm 1 phải khẩn cấp đưa ngay vào các bệnh viện trung ương, nhóm 2 đưa vào các bệnh viện, trung tâm y tế để theo dõi và nhóm 3 đưa vào các trung tâm cách ly dã chiến.

Được biết, các chốt sẽ bố trí các lực lượng gồm công an, quân đội, y tế, cán bộ xã… để canh gác, kiểm tra kiểm soát cả ngày lẫn đêm với quyết tâm ngăn ngừa, không lây lan mầm bệnh.

Trong thời gian khoanh vùng, cách ly, tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ người dân khu vực có dịch tại xã Sơn Lôi khi thực hiện cách ly với mức 40 nghìn đồng/người/ngày với trường hợp tại nhà; 60 nghìn đồng/người/ngày đối tượng cách ly ở Trung tâm y tế trên địa bàn. Mức hỗ trợ cho cán bộ y tế và những người tham gia phòng chống dịch bệnh tại các chốt là 200.000 đồng/người/ngày làm việc bình thường; 400.000 đồng/người/ngày nghỉ, ngày lễ. 

Trong khoảng thời gian này, Vĩnh Phúc sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát kỹ việc cung ứng các hàng hóa, đồ ăn uống phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân địa phương, không để tình trạng tăng giá bán hàng hóa và hàng cung ứng phải đảm bảo chất lượng.

Trước tình trạng nhiều người dân lo lắng đổ dồn lên một số bệnh viện tuyến TW tại Hà Nội và TPHCM để khám và xét nghiệm chẩn đoán Covid-19 (nCoV), Thứ Trưởng Bộ y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, việc tập trung quá đông người ở các bệnh viện sẽ làm tăng nguy cơ lây chéo trong bệnh viện, có thể khiến tỷ lệ nhiễm và tử vong tăng cao hơn. Vụ dịch sởi năm 2013-2014 là một bài học kinh nghiệm lớn. Với dịch viêm đường hô hấp cấp lần này, Bộ Y tế đã tập huấn cho cán bộ y tế tuyến huyện, xã tại vùng dịch về điều trị và dự phòng với phương châm 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, lực lượng tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Việc điều trị đã được triển khai ngay tại tuyến huyện.

Bộ Y tế đề nghị người dân, khi có biểu hiện nghi ngờ chỉ cần đến tuyến y tế cơ sở gần nhất, Bộ đã có đội phản ứng nhanh để hỗ trợ các đơn vị địa phương nếu có gặp khó khăn trong công tác khám chữa bệnh, chẩn đoán cho người dân.

Chốt kiểm soát dịch bệnh tại Vĩnh Phúc

Chốt kiểm soát dịch bệnh tại Vĩnh Phúc

Người được cách ly cần riêng phòng

Trao đổi về vấn đề cách ly người dân, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố  vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhấn mạnh, người dân cần bình tĩnh, không hoang mang và không nên kỳ thị, phân biệt đối xử đối với nơi có dịch. Ở vùng cách ly người dân cần tuân thủ theo hướng dẫn, theo dõi kỹ sức khỏe và thông báo ngay khi có dấu hiệu bất thường. Đặc biệt, trong vùng cách ly cần tuân thủ nghiêm ngặt việc tránh tập trung đông người để hạn chế lây lan.

 Bộ Y tế vừa có hướng dẫn mới nhất về cách ly tại cộng đồng, trong đó 6 tình huống cần cách ly gồm: những người không có các triệu chứng nghi nhiễm bệnh (ho, sốt, khó thở) nhưng có một trong các yếu tố như sống cùng nhà, cùng nơi lưu trú; cùng làm việc; cùng nhóm du lịch, đoàn công tác, nhóm vui chơi với ca bệnh xác định hoặc ca nghi ngờ mắc trong thời gian mắc bệnh; có tiếp xúc gần trong vòng 2m với ca bệnh xác định hoặc ca nghi ngờ mắc bệnh trong thời gian mắc bệnh; ngồi cùng hàng hoặc trước, sau 2 hàng ghế trên cùng chuyến xe/toa tàu/máy bay với ca bệnh xác định hoặc nghi ngờ; người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam từ Trung Quốc hoặc đi qua Trung Quốc (trừ tỉnh Hồ Bắc) trong vòng 14 ngày (nếu đi qua Hồ Bắc thì sẽ cách ly tập trung tại cơ sở cách ly).

Người được cách ly cần riêng phòng; nếu chung phòng thì giường ngủ của người được cách ly cần có khoảng cách tối thiểu 2 m với giường của thành viên khác; đo nhiệt độ 2 lần/ngày; đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; thông báo diễn biến sức khỏe (sáng, chiều/ngày) với cán bộ y tế phụ trách theo dõi... 

Tỉnh Vĩnh Phúc đã Thành lập Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính tại Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật với quy mô 300 giường để thực hiện khám, sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm, có thể nhiễm Covid-19. Mỗi ngày có hơn 100 cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn Pháo phản lực 204 tiến hành thu dọn cơ sở vật chất, vệ sinh các phòng học. Tất cả cơ sở vật chất, bàn ghế, nhạc cụ được chuyển vào hội trường nhường chỗ cho lắp đặt giường bệnh, sớm đưa bệnh viện vào hoạt động.

4 người trong 1 gia đình ở Vĩnh Phúc nhiễm COVID - 19

Bệnh nhân thứ 16 ở Việt Nam là N. V. V, nam, 50 tuổi, địa chỉ: xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, là bố đẻ của bệnh nhân N. T. D (1 trong 8 người đi từ Vũ Hán về đã được báo cáo trước đây). 2 bệnh nhân ở cùng nhà trong thời gian D trở về Việt Nam từ Vũ Hán đến lúc được nhập viện cách ly.

Mẹ và em gái của bệnh nhân D cũng đã được xác định mắc bệnh Covid - 19 và đang được điều trị tại cơ sở y tế. 

Sau khi xác định vợ và 2 con gái bệnh nhân bị mắc bệnh, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa bệnh nhân V. vào danh sách người tiếp xúc gần, được cách ly và theo dõi sức khoẻ hàng ngày. Trong quá trình theo dõi, bệnh nhân không có biểu hiện sốt, ho, khó thở. Tuy nhiên, ngày 11/2/2020, bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi thoáng qua, được cán bộ y tế ghi nhận, lấy mẫu và gửi về Viện VSDTTƯ để xét nghiệm. Hiện tại, bệnh nhân V. đang được cách ly tại phòng khám đa khoa Quang Hà, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc và trong tình trạng sức khoẻ ổn định. Như vậy, đến thời điểm này 4/4 người trong gia đình này đã nhiễm Covid -19.

Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã có 16 người bị bệnh Covid-19 (nCoV), riêng tỉnh Vĩnh Phúc có 11 trường hợp. 7 trường hợp đã khỏi bệnh.

Tại các địa bàn phát hiện các ca bệnh, chính quyền địa phương và tiến hành theo dõi, giám sát chặt chẽ những người có tiếp xúc gần với những bệnh nhân này. Một số người nghi mắc bệnh tiến hành cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.

Theo Đời sống
Cách tránh hạ canxi máu sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm

Hạ canxi máu nguy hiểm thế nào?

Hạ canxi máu là bệnh lý nguy hiểm. Tình trạng hạ canxi máu kéo dài có thể dẫn đến suy tim, động kinh, loạn nhịp tim, lú lẫn, suy giảm trí nhớ, trầm cảm và ảo giác. Bệnh có thể điều trị được nếu phát hiện kịp thời.
back to top