Quỹ phụ huynh – tùy  tâm, nhưng tâm ai?

(khoahocdoisong.vn) - Rất nhiều phụ huynh bức xúc phản ánh, việc đóng quỹ phụ huynh luôn được nói là “tùy tâm”, nhưng không thể không đóng, vì cách nói “tùy tâm” chỉ là sự “hợp thức hóa”, “lách quy định”.

“Tùy tâm” nhưng không biết “tâm” ai?

Vào đầu năm học, mặc dù đã có rất nhiều quy định về việc cấm lạm thu trong nhà trường, tuy nhiên, câu chuyện về “lạm thu” vẫn là chủ đề nóng, gây bức xúc đối với nhiều phụ huynh. Bởi để “lách quy định”, thì việc thu các khoản ngoài quy định lại có nhiều kiểu núp bóng, trong đó, được nhiều nơi áp dụng nhất là “đóng góp tùy tâm”.

Phản ánh tới Báo KH&ĐS, nhiều phụ huynh ở Hà Nội cho biết, đầu năm, quỹ đóng cho Hội cha mẹ học sinh thấp nhất là 500.000đ. Ở một số trường là 1 triệu đồng. Thậm chí, có cha mẹ đã phải đóng mức 2 triệu đồng cho một kỳ học của con.

Tất cả mức đóng này, đương nhiên, đều trên cơ sở sự thỏa thuận của cha mẹ học sinh, và “tùy tâm”. Tuy nhiên, không ai là không dám đóng. Bởi, nếu phản đối sẽ bị nhìn bằng con mắt coi thường, “kỳ thị”.

“Cứ nói là tùy tâm, nhưng là tâm ai? Phải nói là tùy theo tâm của Hội cha mẹ học sinh thì đúng hơn. Có nhiều phụ huynh bức xúc lắm, nhưng khi một ai đó phản đối thì sẽ nhận được câu trả lời như: Chưa bằng một bữa nhậu của các bố, hay cái váy của các mẹ. Sao chi cho con mình thì lại tiếc? Nếu các bác không đóng tiền, thì các con đâu thể tổ chức các hoạt động được? Trong khi đó, có phải phụ huynh nào cũng dư dả đâu, cho nên, mọi người ngại, bấm bụng mà đóng”, một phụ huynh chia sẻ.

Một điều gây bức xúc nữa, là số tiền này được sử dụng vào mục đích như thế nào thì phụ huynh cũng không được rõ. Ở nhiều lớp, khi phụ huynh yêu cầu công bố công khai thu chi, thì ban đại diện Hội cha mẹ học sinh nói, ai thắc mắc thì gặp riêng cho xem và trao đổi, chứ không công khai. Có lớp, thì lại từ chối công khai, lấy lý do là “theo chỉ thị của trường”.

Khi phụ huynh yêu cầu xem bảng kê chi tiết chi tiêu của Quỹ phụ huynh thì đại diện Ban đại diện phụ huynh lớp từ chối với lý do do "chỉ thị trường", hẹn thứ 2 tới trường, nhưng sau đó cũng "lờ" luôn. Ảnh: Phụ huynh cung cấp.

Khi phụ huynh yêu cầu xem bảng kê chi tiết chi tiêu của Quỹ phụ huynh thì đại diện Ban đại diện phụ huynh lớp từ chối với lý do do "chỉ thị trường", hẹn thứ 2 tới trường, nhưng sau đó cũng "lờ" luôn. Ảnh: Phụ huynh cung cấp.

Một phụ huynh ở Gia Lâm, Hà Nội phản ánh tới Báo KH&ĐS cho biết, con anh năm nay học lớp 8, vừa rồi, trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, mỗi phụ huynh đều đóng 500.000đ cho Quỹ phụ huynh. Tuy nhiên, phải trích lại trong số đó là 150.000đ về quỹ hội phụ huynh trường. Câu hỏi đặt ra là vì sao lại phải trích lại số tiền đó, sử dụng cho mục đích gì? Phụ huynh đóng tiền cho con, để phục vụ cho việc học tập và sinh hoạt của con ở lớp, tại sao lại còn phải trích về trường? Chưa kể, có không ít phụ huynh khó khăn, số tiền đó cũng không hề nhỏ.

Khi phản ánh tới cô giáo chủ nhiệm, thì cô giáo nói không biết. Việc này là toàn quyền của cha mẹ học sinh.

Theo phụ huynh này, những việc làm của Ban Phụ huynh ở đây thể hiện sự lạm quyền và làm cho các con trở thành các “gà công nghiệp”. Bởi học sinh ở lứa tuổi lớp 7, lớp 8, với những việc như mua quà cho cô giáo ngày lễ, hay một số hoạt động vui chơi khác, các con cũng có thể tự quản lý quỹ và thực hiện việc đó được rồi.

Để cho các con làm, vừa rèn tính tự lập, đồng thời, khi tự tay chọn quà tặng (có thể có sự hướng dẫn của bố mẹ), cũng để các con biết được ý nghĩa của món quà, chứ không phải mọi việc bố mẹ đều làm hộ hết. Như vậy, là làm hại các con, khiến các con không lớn được.

Sẽ có thanh tra, kiểm tra về việc lạm thu

Từ những bức xúc liên quan tới Hội Cha mẹ học sinh như vậy, dư luận đặt ra câu hỏi, có nên tồn tại Hội Cha mẹ học sinh hay không, hay giải tán hội này? Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan tới sự việc trên, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ GD&ĐT,  ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, vai trò và trách nhiệm của Ban Đại diện cha mẹ học sinh đã được nêu rất rõ tại Luật Giáo dục.

Theo đó, vẫn phải có Ban Đại diện cha mẹ học sinh. “Chúng ta phải thực hiện nguyên lý giáo dục là phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, trách nhiệm giáo dục con cái của cha mẹ là rất quan trọng.

Bên cạnh việc giáo dục tại nhà, cha mẹ phải có trách nhiệm phối hợp với nhà trường và tham gia hoạt động của Ban Đại diện cha mẹ học sinh. Do đó, không thể vì một vài trường hợp làm trái quy định mà nói cần bỏ hội cha mẹ học sinh”, ông Thành nói.

Đối với việc lợi dụng danh nghĩa của Hội Cha mẹ học sinh để ép phụ huynh đóng các khoản ngoài quy định, ông Thành cho biết, Bộ GD&ĐT đã quy định rất rõ trong Thông tư 55.

Cụ thể, tại điều 10 trong thông tư này ghi rõ: Kinh phí hoạt động của Ban Đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban Đại diện cha mẹ học sinh lớp.

Tại khoản 4 điều này quy định, Ban Đại diện cha mẹ học sinh không được thu các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện, không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban Đại diện cha mẹ học sinh.

Như vậy, trường nào, lớp nào thu bổ đầu người, thậm chí, thu tiền để mua một bó hoa tặng cô cũng là không đúng. Trong Thông tư 55 đã ban hành không có khái niệm nào gọi là quỹ lớp hay quỹ trường. Do đó, nơi nào thu, nơi đó đã làm sai quy định.

Trao đổi với phóng viên KH&ĐS, ông Thành cho biết, sắp tới sẽ cần có cuộc thanh tra, kiểm tra về việc này. Tuy nhiên, địa phương cần phải làm trước. Bởi vì tại Thông tư 127 đã quy định rất rõ trách nhiệm của địa phương về vấn đề này. Để xảy ra những vụ việc như vậy, trách nhiệm đầu tiên thuộc về địa phương.

Theo tìm hiểu của phóng viên KH&ĐS, tại điều 4, mục 2, trong Điều lệ Ban Đại diện cha mẹ học sinh (Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT) có nêu rõ, quyền của Ban Đại diện cha mẹ học sinh lớp là: “Phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục truyền thống, hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao để thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh sau khi thống nhất với giáo viên chủ nhiệm lớp”. Như vậy, việc các giáo viên chủ nhiệm nói rằng không hề biết tới những việc làm của Ban phụ huynh lớp, và coi đấy là việc riêng của Ban phụ huynh có phải là Ban phụ huynh đã làm sai quy định?

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top