Quy định ngưỡng điểm sàn sư phạm: Cần nhưng chưa đủ để nâng chất lượng giáo viên

(khoahocdoisong.vn) - Để nâng cao chất lượng giáo viên, việc quy định ngưỡng điểm sàn sư phạm chưa đủ, mà quan trọng là cần phải có sự đổi mới chương trình đào tạo cùng với việc phát triển kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên.

Điểm sàn khối ngành sư phạm tăng so với năm 2019

Mới đây, Hội đồng tư vấn xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) đối với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học và ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng năm 2020 đã họp thảo luận, phân tích dữ liệu, xác định và thống nhất ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.

Theo đó, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào từ điểm thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh ngành, nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học và ngành Giáo dục mầm non trình độ cao đẳng 2020 đối với thí sinh ở khu vực 3 có mức điểm tối thiểu (không nhân hệ số) của tất cả các tổ hợp gồm 3 bài thi/môn thi như sau:

Ngưỡng đảm bảo chất lượng các ngành Sư phạm trình độ đại học là 18,5 điểm. Riêng đối với các ngành Giáo dục Thể chất, ngành Huấn luyện thể thao, ngành Sư phạm Âm nhạc và ngành Sư phạm Mỹ thuật thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng chung là 1 điểm.

Xét tuyển vào ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng năm 2020 là 16,5 điểm.

Như vậy, mức điểm sàn năm 2020 của ngành đào tạo giáo viên tăng so với năm 2019. Năm ngoái, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành này là từ 14 - 18 điểm.

Cần sự đổi mới chương trình đào tạo

Trao đổi với KH&ĐS về mức “điểm sàn” với trình độ đại học năm nay, PGS.TS Trần Đăng Hưng, Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, ngưỡng điểm sàn phù hợp với phổ điểm của thí sinh, phản ánh đúng kết quả thi THPT năm 2020 và cũng tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh trong việc lựa chọn các ngành Sư phạm do không có quá nhiều biến động về mức điểm sàn.

Việc có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào từ điểm thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh ngành, nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học và ngành Giáo dục mầm non trình độ cao đẳng là cần thiết đối với khối ngành Sư phạm. Điều đó đã khiến chất lượng tuyển sinh được đảm bảo hơn, có tác động tích cực đến chất lượng và chuẩn đầu ra của khối ngành Sư phạm vì đối với đào tạo Sư phạm, nhu cầu đầu tiên là đảm bảo chất lượng.

Từ thực tế quản lý và giảng dạy, ông Hưng cho biết, từ khi có quy định của Bộ GD&ĐT về ngưỡng điểm sàn, chất lượng của sinh viên về cơ bản tốt hơn, đáp ứng được các yêu cầu về học tập. Đặc biệt, từ khi có ngưỡng đảm bảo chất lượng, nhà trường và các khoa đào tạo và cả các cơ sở giáo dục, các đơn vị tuyển dụng cũng yên tâm hơn với chất lượng chuẩn đầu ra của sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội.

"Tuy nhiên, để để nâng cao chất lượng đầu ra của sinh viên sư phạm, thì điểm đầu vào là chưa đủ, mà cần có nhiều yếu tố, trong đó có việc đổi mới chương trình đào tạo phát triển kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên. Đó là những yếu tố rất quan trọng và Trường Đại học Sư phạm cũng đang tiến hành việc này”, ông Hưng nhấn mạnh.

Ông Hưng cho biết, năm nay Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tuyển sinh hơn 7.000 chỉ tiêu, trải rộng trên 40 ngành đào tạo, trong đó có cả ngành Sư phạm, và ngoài Sư phạm; do đó, phổ điểm sẽ trải rộng và mở rộng cơ hội cho các em có thể đăng kí vào ngành phù hợp với sở thích và năng lực cũng như tầm điểm thi của mình. Với tầm điểm bằng hoặc trên điểm sàn, các em có rất nhiều lựa chọn.

Đồng quan điểm với ông Hưng, TS Trần Bá Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh cho biết, đây là mức điểm sàn cho cả nước, các trường dựa vào đó để tùy điều kiện đưa ra mức điểm phù hợp cho từng ngành. Thực tế nhiều ngành sẽ có mức điểm đầu vào cao hơn năm ngoái.

Tuy nhiên, điểm đầu vào chỉ là một điều kiện quan trọng nhưng không phải tất cả. Chất lượng đào tạo giáo viên còn phụ thuộc vào quá trình đào tạo, đội ngũ giảng viên và các điều kiện đảm bảo chất lượng khác.

Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ Hà Thanh Toàn, cho rằng cần phải thu hút những thí sinh có chất lượng vào học sư phạm. Đối với đào tạo sư phạm, yêu cầu đầu tiên là đảm bảo chất lượng.

Tuy nhiên, theo ông Toàn, cũng cần cân đối hài hòa với nhu cầu sử dụng của địa phương, trong bối cảnh đang đổi mới giáo dục phổ thông, nếu chúng ta không đào tạo từ bây giờ, thì 4 năm sau sẽ không đủ giáo viên để phục vụ cho đổi mới.

Năm nay, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng trình độ đại học các ngành giáo dục thể chất, huấn luyện thể thao, sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật. Đánh giá về việc này, ông Đào Đăng Phượng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cho biết, đây là việc phù hợp với quy chế.

“Năm ngoái khi “cào bằng” nhiều em có điểm văn hóa cao, điểm năng khiếu thấp vẫn trúng tuyển. Trong khi qua phân tích, các em có nhu cầu thi vào các trường năng khiếu thường có điểm thi tốt nghiệp thấp hơn mặt bằng chung, do các em tập trung cho rèn luyện năng khiếu.

Việc xác định điểm sàn của ngành âm nhạc, thể thao thấp hơn điểm sàn chung khối đại học 1 điểm là rất khoa học, thuận lợi cho các trường trong công tác tuyển sinh”, ông Phượng nói.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top