Quốc tử giám Tế tửu Trần Văn Trứ

Trần Văn Trứ (1716 – 1779), sinh ra trong một gia đình khoa bảng, có nền nếp thi thư, nhiều đời có người làm quan, làm thầy đồ, thầy thuốc ở xã Từ Ô, huyện Thanh Miện, trấn Hải Dương nay là thôn Từ Ô, xã Tân Trào, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.

Cha con cùng làm quan một triều

Cha ông là Trần Văn Hoán, sinh năm Canh Ngọ niên hiệu Chính Hòa thứ 11 (1690), năm 35 tuổi đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Giáp Thìn đời vua Lê Dụ Tông, làm quan đến chức Hàn lâm viện Thừa chỉ, sung làm Phó sứ sang Yên Kinh, mắc bệnh và qua đời trên đường trở về nước, được phong Đặc tiến Kim tử vinh lộc Đại phu, Công bộ Hữu Thị lang, gia tặng Hình bộ Tả Thị lang Hồng Phái hầu, thọ 60 tuổi.

Trần Văn Trứ thi đỗ Hương tiến từ lúc còn trẻ nhưng tính ham chơi, chểnh mảng việc học hành. Phu nhân của ông nhiều lần can gián nhưng ông không nghe, có lần bà đã sửa lễ cáo với tổ tiên nhà chồng, đồng thời xin với cha chồng cho được về nhà cha mẹ đẻ. Từ đó ông mới chuyên tâm đọc sách và lại đọc suốt ngày suốt đêm không nghỉ, lúc ăn uống đi lại đều tâm niệm việc học hành, không để ý đến việc gì khác, sách không lúc nào dời tay. Về sau lên kinh sư dự học, cần cù và chăm chỉ nên đến năm Quý Hợi, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 4 (1743), Trần Văn Trứ đỗ Đệ nhị giáp chính Tiến sĩ xuất thân Đệ nhất danh.

Đời vua Lê Hiển Tông, Trần Văn Trứ làm quan đến Thiêm đô Ngự sử kiêm Quốc tử giám trực giảng, người đương thời quen gọi ông là tiến sĩ Từ Ô. Như vậy, cha con ông cùng làm quan một triều.

Trần Văn Trứ làm quan chấp pháp nghiêm minh, danh tiếng vang xa. Nhưng vốn là người thẳng thắn, thấy gì nói vậy nên không đứng được lâu trong chốn quan trường. Lúc này, chính sự triều đình vua Lê, chúa Trịnh cũng quá đỗi mục nát nên ông cáo lão về trí sĩ. Ai nấy đều tiếc, bởi lẽ ông là vị quan thanh liêm chính trực, có tài lại có lòng thương dân.

Ảnh minh họa

Người thầy chuyên tâm

Khi giữ chức Quốc tử giám Tế tửu, Trần Văn Trứ chuyên tâm vào việc dạy học, dùng nhiều biện pháp khuyến khích học trò, hoặc khen thưởng, hoặc mắng nhiếc, cho nên học trò ông không ai không thành đạt. Khi làm văn, trò nào làm trúng ý, ông khen thưởng, nhiều lần như vậy ông nói: “Cha mẹ anh ăn thức gì mà sinh được anh như vậy, tiếc rằng con gái ta đã gả chồng hết cả”Trò nào làm chưa đúng ý thầy thì bị mắng thậm tệ, nhiều lần thầy mắng: “Cha mẹ ngươi ăn phải thứ gì mà đẻ ra ngươi như vậy, tiếc rằng vợ ngươi vô duyên nên lấy phải”.

Những học trò khi đến kinh sư tìm thầy học không ai không tìm đến cửa ông, người nào được khen thì vinh dự như thể được khoác áo hoa cổn, người nào bị chê trách thì nặng nề như bị đao búa. Được rèn luyện nên ai nấy đều thành tài, mỗi kỳ thi Hương số người đỗ có quá nửa là học trò của ông.

Với quan điểm dạy học và đào tạo như vậy, Trần Văn Trứ là người thày có vai trò nhất định đối với văn hóa trong việc đào tạo đội ngũ trí thức cho xã hội Việt Nam thế kỉ XVIII.

Tác phẩm của Trần Văn Trứ để lại không nhiều, trong đó nổi bật là hai tập Hoa thiều hầu mệnh tập, Từ Ô Hoàng giáp Trần tướng công thi tập và một số thơ văn chép trong các tuyển tập.

Hoa thiều hầu mệnh tập, chép trong sách Sứ thiều ngâm lục, gồm hơn 100 bài thơ chữ Hán, được làm trong dịp tác giả phụng mệnh tiễn sứ giả vào mùa đông năm Tân Tỵ niên hiệu Cảnh Hưng.

Từ Ô Hoàng giáp Trần tướng công thi tậpchép trong sách Danh ngôn tạp trứ, có 95 bài thơ và 1 bài ký, trong đó có một số bài thơ chép trong Hoa thiều hầu mệnh tập. Tập thơ là những tâm sự, tình cảm của tác giả đối với quê hương, gia đình, bạn bè và tình yêu thiên nhiên, đất nước. Những di tích lịch sử, những thắng cảnh của tự nhiên trên đường công cán đều được tác giả ghi lại chân thực và gửi gắm tình cảm trìu mến…

Còn nữa

TS Nguyễn Thành Hữu

Theo Đời sống
back to top