Những vị vua nhà Lý thương dân
Thời Lý, quan điểm “lấy dân làm gốc” được ghi trong bộ Hình luật đầu tiên công bố năm 1042. Đại Việt sử kí toàn thư ghi: “Trước kia có kiện tụng phiền nhiễu, quan giữ việc hình, thường câu nệ luật văn, cốt làm khắc nghiệt, thậm chí bị oan uổng. Vua lấy làm thương xót, sai trung thư sửa định luật lệnh châm chước cho hợp, chia ra môn loại, biên ra điều khoản, làm sách hình luật của một triều đại để cho người xem dễ hiểu… Sách làm xong xuống chiếu ban hành, dân lấy làm tiện”. Vua Lý Thánh Tông nhiều lúc còn tỏ ra thương xót cho cả những kẻ tù tội, đôi lúc chỉ vì miếng cơm manh áo, lại chưa được giáo hóa mà đã chót lầm lỡ và yêu cầu thuộc hạ phải gửi áo ấm cho họ trong mùa đông rét mướt.
Chính sách trị dân, an dân có đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của dân thì dân mới yên, đất nước mới ổn định và phát triển. Bởi vậy, trước khi ban hành các chính sách lớn, triều đình thường cắt cử các quan viên đi tới tận “hang cùng ngõ hẻm”, từng thôn xóm, làng mạc để quan sát, nghe ngóng dân tình, thăm dò, hỏi ý kiến các vị bô lão và người dân. Chính sách nào ban hành rồi mà thấy không hợp lòng dân sẽ được tu sửa, điều chỉnh, thậm chí bãi bỏ.
Một vị vua sáng suốt, suốt 56 năm gây dựng một giang sơn hùng mạnh là vua Lý Nhân Tông, vậy mà đến lúc chết vẫn lo cho dân, thể hiện qua lời di chúc khiêm tốn và đầy lòng vì dân: “Ta đã ít đức, không lấy gì làm cho trăm họ được yên vui, đến khi chết lại khiến cho mọi người mặc áo xô gai, sớm tối khóc than, giảm ăn uống, bỏ cúng tế, làm cho lỗi ta thêm nặng, như vậy thiên hạ sẽ nghĩ ta là người thế nào?… Thế nên, việc tang chế chỉ nên ba ngày là bỏ áo trở, dứt khóc than, chôn cất cốt phải kiệm ước, không nên xây lăng mộ mà chỉ để ta hầu bên cạnh Tiên đế là được.”
“Khoan thư sức dân làm kế sâu gốc bền rễ”
Nhà Trần đã phát triển tư tưởng “lấy dân làm gốc” thành các định đề mang tính nguyên tắc. Ở Đền Trần, Nam Định ngay tại cổng Ngũ Môn còn ghi khắc hai câu đối.
Câu thứ nhất: Bảo Quốc hộ dân, ngoại tặc chí kim do bạch phát – Nhân hòa đức trị, nội bang tự cổ tạ hoàng ân. Nghĩa là, giữ nước giúp dân đến nay giặc ngoại xâm đầu còn bạc trắng vì khiếp sợ – Lấy đức trị nước, từ xưa dân trong nước khắp nơi đều tạ ơn vua.
Câu đối thứ hai: Dân vi bang bản thiên niên sách – Công tại nhân tâm vạn cổ trường. Nghĩa là, lấy dân làm gốc, đó là sách lược ngàn năm – Công lao ở lòng người sẽ ghi tạc muôn thuở.
Để tránh thói độc đoán, quan liêu, xa dân, nhiều vị vua Trần còn thường xuyên “vi hành”, thâm nhập vào đời sống xã hội… Trần Nhân Tông có lần vi hành tận một làng xa ở Kiến Thụy, Hải Phòng đã bị dân binh trong làng nghi hoặc, bắt, trói dẫn ra sân đình định xét tội. Đến khi nhận ra, mọi người quỳ rạp dưới chân mà lạy, vua không giận mà còn khen tinh thần cảnh giác. Đặc biệt triều đại này còn ghi rõ nội dung Hội nghị Diên Hồng, lấy ý kiến của các bô lão trong việc chống giặc Nguyên – Mông.
Ảnh minh họa
Và trước phút lâm chung, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn – vị anh hùng của cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông trối trăn rằng: “Khoan thư sức dân làm kế sâu gốc bền rễ”.
(còn nữa)
Nguyễn Bảo Nam