Nghĩ và làm những việc khoan dân
Khi được nhà vua hỏi về kế sách giữ nước và soạn lễ nhạc, Nguyễn Trãi đã dâng sớ nói rõ: “Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc… Dám mong bệ hạ rủ lòng yêu thương và chăm nuôi muôn dân, khiến cho thôn cùng xóm vắng không có một tiếng hờn giận oán sầu, đó tức là giữ được cái gốc của nhạc vậy”.
Ảnh minh họa
Khi vâng mệnh vua soạn chiếu “hậu tự huấn” để răn dạy thái tử, Nguyễn Trãi viết: “Hòa thuận tông thân, nhớ giữ một lòng hữu ái, thương yêu dân chúng, nghĩ và làm những việc khoan dân”. Và Nguyễn Trãi đúc kết “Đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân, thuận lòng dân thì sống, nghịch lòng dân thì chết”…
Thời Hậu Lê, Hoàng Ngũ Phúc có quan điểm: “Nước lấy dân làm gốc, nước bình yên, nước hãy để dân yên. Dân lấy nước làm lòng, khi nhiễu sự dân ra gánh vác…”
Bên cạnh việc quan tâm chung đến đời sống của mọi cư dân, trong xã hội, luật Hồng Đức khẳng định có bốn loại người mà chính quyền địa phương và cộng đồng làng xã phải có trách nhiệm đảm bảo cuộc sống cho họ. Đó là người già không nơi nương tựa, phụ nữ cô độc, trẻ mồ côi, người tàn tật. Một viên tri huyện có thể sẽ bị bãi nhiệm, thậm chí bị phạt tội nặng nếu trong địa hạt mà mình cai trị đã để cho dân tình đói khổ, bị lũ lụt, phải tha phương cầu thực, hoặc để phong hoá suy đồi…
Những triều đại được coi là thịnh trị là triều đại mà mọi người dân đều được sung túc, thóc gạo đầy bồ, dân tình phấn khởi, “của rơi ngoài đường không ai thèm nhặt”.
Những triều đại bị coi là suy đồi là những triều đại không chăm lo được cho dân, đất nước nghèo đói, mất mùa, quan lại tham nhũng. Những nhà lãnh đạo không quan tâm được tới dân, tàn ác với dân bị gọi là loại “vua quỷ”, “vua lợn” …
Sai khiến dân phải cẩn thận
Về điều này, Nho gia thấy được một điểm hết sức quan trọng “dân là gốc nước, gốc vững, nước yên”, hoặc “đường lối được dân chúng thì được nước, mất dân chúng thì mất nước”. Nho gia yêu cầu các bậc trị quốc phải bảo đảm cho người dân có đời sống tối thiểu để họ “ngẩng lên đủ để phụng dưỡng cha mẹ, cúi xuống đủ để nuôi sống vợ con” .
Đó là việc phải gần dân, đối xử đúng mức với dân như Kinh Thư viết: “Đối với dân nên gần, không nên coi là thấp hèn”. Khổng Tử nhắc nhở những người cầm quyền: “Sai khiến dân phải cẩn thận như điều hành một cuộc tế lễ lớn”.
Đó là tư cách, phẩm chất, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ. Đây là một phương châm sống cao thượng của những nhà Nho chân chính và của người cầm quyền.
Lịch sử cho thấy nạn kiêu binh ở cuối đời Lê Trịnh, khi cái đám “dân đen” quân binh lam lũ tràn vào kinh thành Thăng Long thì chẳng một một thế lực vua chúa, quan nhân nào cản nổi. Đến oai phong như Quận Huy, võ nghệ cao cường, tiếng to như sấm, cắp giáo dài, cưỡi voi lớn, những tưởng sẽ đè đầu được đám quân binh đói khát ấy, mà chỉ trong chốc lát đã bị họ quăng câu liêm, giật xuống đất, băm nát như bùn.
Đáng tiếc là, hiện nay một bộ phận cán bộ đang làm ngược lại những điều mà tiền nhân đã răn dạy về phẩm chất, đạo đức của người lãnh đạo. Họ quan liêu, cửa quyền, không hiểu tình cảnh thực tế của dân để “lo trước cái lo của dân, vui sau cái vui của dân” mà trái lại, họ sống xa hoa, phè phỡn, thậm chí còn có lối sống vương giả bằng những nguồn thu nhập bất chính, trong khi còn nhiều người dân chưa thoát khỏi đói nghèo.
Nguyễn Bảo Nam