Xử lý nghiêm các hành vi không đưa đất vào sử dụng
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành và các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản để kiềm chế, ngăn ngừa tình trạng mua bán và nâng giá đất trên địa bàn các địa phương trong tỉnh.
Thực hiện đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 30/3/2021, UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các sở, ngành và UBND các địa phương (nhất là các địa phương Vân Đồn, Quảng Yên, Đông Triều, Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái) tăng cường quản lý chăt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai, bảo đảm việc đưa bất động sản vào kinh doanh, chuyển nhượng phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư và kinh doanh bất động sản. Kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động môi giới bất động sản, bảo đảm hoạt động này tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Cục thuế tỉnh thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất... để thu nghĩa vụ thuế, kiểm soát các giao dịch ảo, thổi giá đất, giá bất động sản; quản lý chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định pháp luật đất đai về tách thửa đất. Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh sẽ xử lý nghiêm đối với hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư; có kế hoạch chủ động điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị các sở, ngành chuyên môn công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch để người dân tiếp cận các thông tin chính thống, không bị nhiễu thông tin, để tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất, giá bất động sản lên cao nhằm thu lợi bất chính và có biện pháp quản lý sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, các hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư theo quy định sẽ bị xử lý nghiêm (Ảnh minh họa). |
Trước đó, tại các địa phương của tỉnh Quảng Ninh như Cẩm Phả, Hạ Long, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều... có tình trạng tăng giá đất đột biến ở một số khu vực, đặc biệt là khu vực TP Hạ Long.
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, có hiện tượng trên là do các đối tượng môi giới bất động sản đã mua đi, bán lại nhiều ô đất của các dự án để hoạt động “làm thị trường”; đây là hoạt động đầu cơ có tổ chức, có kịch bản đã được chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm mục đích “thổi giá”, gây “sốt”, tạo “sóng ảo” về nhu cầu, nhằm đẩy giá lên cao, dụ các khách hàng “nhẹ dạ cả tin” vào mua đất, đẩy người đầu tư vào tình trạng mắc kẹt khi cơn “sốt đất ảo” chấm dứt. Tình trạng này có thể kéo theo một số hệ lụy cho xã hội như gây khó khăn cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án để phát triển kinh tế xã hội tại các vùng lân cận của địa phương; gây mất an ninh trật tự, tín dụng đen...
Nghiêm cấm cán bộ tiếp tay cho đầu cơ đất đai
Trong một diễn biến khác, nhằm kiềm chế, ngăn ngừa tình trạng mua bán và nâng giá đất trên địa bàn, UBND huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) cũng đã có chỉ đạo nghiêm cấm cán bộ, công chức tham gia các hoạt động môi giới bất động sản, tiếp tay cho việc đầu cơ, buôn bán đất đai. Chủ tịch UBND các xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện Vân Đồn về công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị.
Cụ thể, UBND huyện Vân Đồn yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, thị trấn thực hiện nghiêm chức năng quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương, quản lý chặt chẽ quỹ đất công ích, đất sản xuất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, chỉ đạo các cán bộ chuyên môn thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực chuyên môn phụ trách, không để xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự, phức tạp trên địa bàn; phối hợp với các phòng ban chuyên môn của huyện cung cấp kịp thời thông tin về quy hoạch, thủ tục pháp lý, tiến độ triển khai... của các dự án kinh doanh hạ tầng đất ở, nhà ở đến các thôn, khu để tuyên truyền, công khai, đăng tải thông tin cho các tổ chức, cá nhân được biết.
Cùng với đó, phối hợp với các phòng, ban, lực lượng chức năng rà soát, kịp thời phát hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân người nước ngoài trái quy định trên địa bàn.
Ngoài ra, UBND huyện Vân Đồn cũng yêu cầu các địa phương quản lý chặt chẽ việc quản lý, sử dụng, chứng thực các giao dịch, chuyển nhượng đất sản xuất nông nghiệp (đặc biệt là các thửa đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, trồng cây hằng năm biệt lập không gắn liền với đất ở). Trường hợp những người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, từ địa phương khác đến nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp để đầu cơ, bỏ hoang, không sản xuất, gây ô nhiễm môi trường, gây lãng phí trong việc sử dụng đất, UBND các xã kiểm tra, lập thủ tục báo cáo UBND huyện quyết định thu hồi đất theo quy định hoặc tham mưu UBND huyện báo cáo UBND tỉnh…