Theo y học cổ truyền, bầu có vị ngọt, tính mát, không độc. Tác dụng thanh nhiệt, giải độc, nhuận trường, lợi tiểu, trị chứng nóng nhiệt, mun nhọt, ho viêm họng, lở ngứa, táo bón, tiểu rắt, miệng khô khát. Sách Tuệ Tĩnh viết: “Bầu canh vị ngọt, tính hàn không độc, giải nhiệt, trị lở, trừ trúng độc, thông tiểu, tiêu thũng, phàm người mắc bệnh cước khí, lãnh khí, hư trướng ăn vào khó lành và ăn nhiều dễ bị tiêu lỏng”.
Tính thành phần dinh dưỡng, cứ 100g bầu cung cấp cơ thể là 15 calo, có 0,6g protid, 4g glucid, 0,3 lipid, canxi 7,6mg, sắt 0,26mg, photpho 0,3mg và nhiều loại vitamin như caroten, vitamin B1, B2, PP, C. Lá bầu có vị ngọt, tính bình có thể làm rau ăn lúc khan hiếm rau xanh. Bầu ít năng lượng, sinh nhiệt thấp, thích hợp người nóng nhiệt đang cần giảm cân. Sau đây là một số món ăn bài thuốc từ quả bầu.
- Chữa táo bón: Bầu canh 200g thái lát, cá khoai 100g, gia vị vừa đủ, nấu canh ăn thường xuyên.
- Chữa béo phì, người nóng nhiệt: Bầu canh 200 - 300g bỏ vỏ, thái lát, luộc chín tới chấm mắm ăn giảm bớt ăn cơm.
Bầu canh có vị ngọt mát, dễ chế biến, sử dụng giàu dưỡng chất, ít năng lượng, những người mập phì thừa cân, người nóng nhiệt, trẻ em người lớn táo bón, tiểu vàng gắt, ngoài da nổi mụn dùng đều tốt. Kinh nghiệm người dân dùng hạt bầu sắc đặc ngậm ngày 3 - 4 lần chữa viêm chân răng. Chữa chứng nắng nóng, trẻ em nhiệt lỵ lâu ngày không khỏi dùng vỏ bầu canh già phơi khô hoặc tươi gọt lấy vỏ sao vàng hạ thổ sắc kỹ uống rất tốt.
DS Nguyễn Văn Hào (Nguyễn Tri Phương, Vũng Tàu)