P53 có khả năng ngăn chặn các tế bào ung thư phát triển và phân chia mất kiểm soát. Ngoài ra, nó còn hạn chế các tế bào bị tổn thương ADN chuyển thành tế bào ác tính.
Các nghiên cứu cho thấy, 60% bệnh nhân ung thư đều bị thiếu hoặc bị hỏng P53. Tuy nhiên, phương pháp điều trị ung thư bằng việc cấy P53 còn gặp nhiều khó khăn, bởi protein này có kích thước tương đối lớn và mềm khiến chúng dễ kết tụ lại, tạo ra kết cấu không bền vững và nhanh chóng bị phá vỡ.
Để khắc phục vấn đề này, các nhà khoa học đã tìm được Spidroins - protein có trong tơ nhện có các đặc điểm giống như P53, nhưng lại có cấu tạo chắc chắn, không dễ đứt đoạn.
GS. David Lane thuộc Viện Karolinska (Thụy Điển), đồng tác giả của nghiên cứu trên cho biết: "Tơ nhện bao gồm các chuỗi dài các protein ổn định cao và là một trong những polymer tự nhiên mạnh nhất. Tạo ra một biến thể ổn định hơn của P53 trong tế bào là một cách tiếp cận đầy hứa hẹn đối với liệu pháp điều trị ung thư. Trong các bước tiếp theo, chúng tôi sẽ kiểm tra mức độ dung nạp của các tế bào khỏe mạnh với protein tơ nhện, để xem liệu việc bổ sung này có làm kéo dài thời gian tồn tại của P53 trong các tế bào hay không".
Do đặc tính dẻo dai, tơ nhện từ lâu đã được ứng dụng trong y học để làm vật liệu tái tạo da, thay thế dây chằng, chỉ khâu phẫu thuật…