Phòng tránh bệnh bằng dinh dưỡng cân bằng pH

Một số thức ăn làm cho cơ thể có tính axit, một số khác làm cho nó có tính kiềm. Cơ thể luôn có một sự điều chỉnh  để cân bằng độ pH ổn định. Tuy nhiên, ăn uống sai lệch có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng này. Mất cân bằng pH sẽ gây ra nhiều bệnh cho cơ thể.

Bệnh từ thực phẩm axit mà ra

TS.BS. Nghiêm Nguyệt Thu, Trưởng Khoa Dinh dưỡng – Tiết chế, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, một chế độ dinh dưỡng hợp lý cân bằng là nền tảng để duy trì độ pH sinh lý của cơ thể, giúp cho sự trao đổi chất và chức năng của các bộ phận cơ thể hoạt động bình thường. Các chế độ ăn mất cân bằng lâu dài sẽ làm mất khả năng tự điều chỉnh của cơ thể làm sai lệch về độ pH dịch thể từ đó dẫn đến nhiều nguy cơ bệnh lý.

Cũng theo TS.BS Nghiêm Nguyệt Thu, bình thường cơ thể chúng ta phải duy trì độ pH hơi kiềm. PH dao động từ 1 đến 14. PH bằng 7 được coi là trung lập. PH nhỏ hơn 7 là có tính axit và lớn hơn 7 là tính kiềm. PH lý tưởng của cơ thể là: 7,30 – 7,45.

Ở độ pH thấp mang tính axit, các cơ quan thanh lọc máu là lá lách, gan, tim, thận phải làm việc quá mức khiến chúng sẽ suy yếu dần. Các chất đào thải không được thải ra hết mà tập trung lại trước hết là ở các khớp gây ra đau khớp hoặc bệnh gút, sau đó chúng tìm đường bài tiết qua da gây mụn trứng cá, u nhọt, gây nhiễm trùng da, ngứa ngáy, lở loét vì có nhiều vi khuẩn và nấm.

Cơ thể có tính axit là yếu tố đóng góp tích cực vào việc sinh ra các bệnh khác nhau như trĩ, ung thư, phong, bại liệt, sỏi thận, bàng quang, túi mật, lao, mất khả năng tình dục, áp huyết cao, tim, đột qụy, hen suyễn cùng các dị ứng khác. Để tránh tình trạng axit hoá cơ thể, đồng thời chữa những loại bệnh đã mắc là giảm lượng thức ăn mang tính axit, tăng cường thức ăn mang tính kiềm để đưa độ PH của cơ thể dần về trạng thái cân bằng.

Sơ đồ cân bằng độ pH trong dinh dưỡng.

Khỏe nhờ ăn cân bằng pH

Để giúp cơ thể cân bằng pH, PGS – TS Vũ Thu Trang, Phó trưởng bộ môn Công nghệ thực phẩm, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ thực phẩm cho biết, trước tiên chúng ta cần ra cửa hàng hóa chất hay hiệu thuốc để mua giấy quỳ thử độ pH. Bạn có thể thử độ pH của nước tiểu hoặc nước bọt.

Nên thử vào thời điểm 2 tiếng đồng hồ sau khi ăn để có nồng độ chính xác. Nếu độ pH ở mức 6,5 đến 7,5 nghĩa là cơ thể bạn đã có độ pH trong mức cân bằng. Nếu cơ thể có độ pH thấp dưới 6, 5 thì cần tăng các thực phẩm mang tính kiềm, giảm các thực phẩm mang tính axit.

Các thực phẩm mang tính axit có chứa nhiều nguyên tố như Clo, photpho, lưu huỳnh trong thành phần cấu tạo, hoặc có chứa nhiều axit hữu cơ khó biến đổi. Đó là: thịt, cá, trứng, trà, cà phê, rượu; các loại gia vị, thức ăn, giấm, nước sốt; các loại tinh bột và hạt, đặc biệt là các loại tinh bột đã qua chế biến (cơm, bánh mỳ, bánh quy…); hành, tỏi, nấm, một số loại đậu đỗ; các loại dầu; các loại thức ăn béo, đồ rán; các thức ăn có đường…

Những thực phẩm chứa nhiều canxi, magie, kali chính là những thực phẩm mang tính kiềm. Các loại hạt, đỗ, đậu, rau gia vị là những thực phẩm mang tính kiềm cao. Đậu nành là nguồn dinh dưỡng có tính kiềm cao nhất hữu hiệu trong xử lý dư thừa axit cơ thể.

Theo PGS-TS Vũ Thu Trang, một bữa ăn ngon, đủ chất vẫn phải có thực phẩm kiềm lẫn axit. Chúng ta có thể làm giảm bớt tính axit ở ngũ cốc bằng cách chế biến khác đi. Ví dụ: cơm có thể nấu thành cháo có tính axit thấp hơn. Bánh mì nướng kỹ có tính axit thấp hơn bánh mì thường. Các loại ngũ cốc còn nguyên cám (gạo lức, bánh mì đen, mầm lúa mì…) có tính axit thấp hơn so với ngũ cốc đã tinh chế.

Tuyết Vân

Theo Đời sống
Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Cục máu đông, hay còn gọi là huyết khối, nếu xảy ra trong mạch máu của các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nguy hiểm và đôi khi có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
back to top