Phép trị cho 5 thể bệnh rối loạn tuần hoàn não

Rối loạn tuần hoàn não theo y học hiện đại, bệnh này do rất nhiều bệnh khác nhau như cao huyết áp, xơ cứng động mạch não, thiếu máu, suy nhược thần kinh, rối loạn tiền đình, bệnh ở não, bệnh ở tai trong…

Đông y coi bệnh thuộc chứng “huyễn vững” thường do phong, hoả, đờm và hư gây nên. Dựa trên triệu chứng, bệnh được chia làm 5 thể và mỗi thể lại có cách chữa khác nhau.

rối loạn tuần hoàn não

Rối loạn tuần hoàn não thuộc chứng “huyễn vững” thường do phong, hoả, đờm và hư gây nên (Ảnh minh họa).

Thể Can dương đầu thống: Thể này do hơi nóng của can mạch bốc lên gây đau đầu. Bệnh thường gặp ở người thường ăn uống thiếu tiết độ, nhiều chất kích thích, tính tình nóng nảy, khi gặp chấn thương tinh thần gây ra bệnh.

Biểu hiện: chóng mặt, tối sầm mặt, đau đầu kiểu căng, ù tai, tinh thần căng thẳng, khi giận dữ bệnh tăng lên, tính tình dễ kích động, cáu giận, ngủ hay mơ lung tung, miệng đắng, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng tươi, mạch huyền (căng).

Phương pháp điều trị: bình can, tiềm dương, thanh hỏa, tức phong (làm ổn định khí của can, làm khí nóng lắng xuống, giảm tính hưng phấn, giảm kích thích thần kinh). Thuốc trị: Cúc hoa, câu đằng, sừng dê rừng, đỗ trọng, ngưu tất, bạch thược…

Thể Đàm trọc: Bệnh thường gặp trên người thường ngày ăn uống không tiết độ, ăn nhiều chất béo, béo bệu hoặc có tỳ vị suy yếu không vận hóa được chất dinh dưỡng để nuôi cơ thể khiến cho thức ăn ứ đọng thành đàm. Đàm kết hợp thấp cản trở sự thăng giáng.

Biểu hiện: người bệnh chóng mặt, xây xẩm, đau đầu, cảm giác nặng nề u ám như bó chặt đầu lại, có thể ngực bụng đầy ấm ách. Đau nhiều, buồn nôn, nôn mửa, ăn kém, miệng nhạt, ngủ nhiều, ngủ ly bì, rêu lưỡi trắng nhầy nhớt, mạch nhu (mềm, hoạt trơn trượt…). Đối chiếu y học hiện đại là có mỡ máu cao.

Điều trị rối loạn tuần hoàn não thể này bằng phương pháp táo thấp, hóa đàm, kiện tỳ hóa vị (làm cho tiêu đờm, khô cái ẩm ướt, mạch tỳ vị, ổn định tiêu hóa). Thuốc: trần bì, bán hạ, bạch linh, bạch truật, thiên ma, toàn phúc hoa…

Thể ứ huyết: Đau đầu do ứ huyết là do mạch lạc bế tắc, khí huyết không lưu thông. Thể này thường kết hợp với đàm trọc hay gặp trong trường hợp xơ cứng mạch máu não.

Người bệnh đau đầu nhiều đi kèm chóng mặt, cũng có thể đau nửa đầu hoặc cả đầu, vùng đau cố định không di chuyển, đau như có vật nhọn đâm vào đầu. Một số bệnh nhân có chấn thương cũ, lưỡi có ban ứng, mạch tế nhỏ, đau về đêm nhiều.

Phương pháp điều trị: thông mạch hóa ứ. Thuốc: Xuyên khung, đương quy, đào nhân, hồng hoa, ích mẫu…

Thể thận hư: Ngoài thiểu năng tuần hoàn não, người bệnh thường chóng mặt, tối sầm mặt mặt, thần sắc u ám mờ mịt, trí nhớ giảm, thắt lưng đầu cuối ứ mỏi đau, nam giới di mộng tinh, ù tai (thường hai tai), ngủ kém, hay mê…

Nếu thận dương kém thì chân tay lạnh, chất lưỡi bệu nhợt, mạch trầm trì. Nếu thận âm kém nhiều, lòng bàn tay, bàn chân nóng, ngực nóng, hay hồi hộp, chất lưỡi đỏ, mạch huyền tế.

Phép trị thể rối loạn tuần hoàn não trên: bổ thận âm hoặc thận dương. Nếu thận dương kém nhiều hơn thì dùng bát vị: thục địa, sơn thù, hoài sơn, bạch linh, trạch tả, đan bì, quế, phụ tử chế. Nếu thận âm kém hơn thì dùng bài lục vị: thục địa, sơn thù, hoài sơn, bạch linh, trạch tả, đan bì.

Thể khí huyết suy kém (hư suy): Chóng mặt tăng lên khi vận động, sắc mạch xanh tái, môi tái nhợt, móng tay móng chân nhợt nhạt không bóng, bứt rứt, khó ngủ, trạng thái mệt mỏi, ngại nói, ngại vận động, ăn kém, lưỡi nhợt, môi thâm, mạch tế nhược (nhỏ và yếu).

Phép chữa: bổ khí huyết, mạnh tỳ vị, như bài “quy tỳ”: sâm truật, bạch linh, phục thần, hoàng kỳ, viễn trí, đào nhân…

BS lương y giỏi Tống Trần Luân

(Nguyên trưởng khoa Nội BV Y học cổ truyền TƯ)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top