Mới sốt, đau tai đã biến chứng nặng nề
Cháu Nguyễn Thị H. (8 tuổi ở Nghệ An) bị sốt cao, đau tai dữ dội 2 ngày đã không nghe thấy gì. Gia đình đưa em đến viện khám, được chẩn đoán viêm tai xương chũm cấp. Tai trên sưng to lan ra vùng thái dương, làm khít hàm, phù nề mi mắt, sưng cổ...Nội soi phát hiện sập góc sau trên, hòm nhĩ ứ mủ (phù nề niêm mạc và màng xương).
Chụp phim CT thấy các nhóm tế bào khí của xương chũm bị phá hủy, toàn bộ các vách ngăn tế bào khí bị phá hủy và thông với nhau tạo thành một túi mủ lớn trong chứa đầy tổ chức hạt viêm và xương hoại tử. Sự phá hủy này có thể vượt qua giới hạn xương chũm vào thành trong của xương tĩnh mạch bên gây viêm tĩnh mạch bên nhiễm trùng huyết hoặc vào phần tiểu não gây áp xe tiểu não; qua trần hang chũm vào đại não gây áp xe não, viêm màng não... nguy hiểm tới tính mạng. Chính vì vậy, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật nội soi làm sạch xương chũm để phòng tránh các biến chứng nguy hiểm.
BSCKII Phạm Văn Sơn, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Vinh (Nghệ An) cho biết, viêm tai xương chũm là bệnh thường gặp ở cả người lớn và trẻ em.
Biểu hiện của bệnh là sốt cao kéo dài, thể trạng suy nhược mệt mỏi nhiễm trùng, nhiễm độc sốt cao 39 – 40 độ C (viêm tai giữa chảy mủ quá 2 tuần không thấy khỏi, các triệu chứng thậm chí còn có diễn biến nghiêm trọng hơn như sốt cao hơn, đau tai hơn, mủ chảy đặc hơn và có mùi thối). Ở trẻ sơ sinh có thể thấy co giật, thóp phồng giống như viêm màng não.
Bệnh nhân đau tai, đau tăng dữ đội, đau sâu trong tai lan ra vùng chũm và vùng thái dương, nhức đầu nghe kém, nghe kém kiểu truyền âm thường kèm theo ù tai và chóng mặt nhẹ. Mặt chũm thường nề đỏ, ấn vào đau. Mủ tai đặc có mùi thối khẳn, có màu xanh hoặc vàng đôi khi có tia máu...
Thăm khám viêm xương chũm cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Vinh - Nghệ An. |
Theo BSCKII Phạm Văn Sơn, viêm xương chũm cấp khó có thể tự khỏi, nếu không được điều trị có thể đưa tới viêm xương chũm mạn tính, viêm xương chũm xuất ngoại và có thể đưa tới các biến chứng hiểm nghèo. Các biến chứng thường gặp là: Viêm xương hay cốt túy viêm xương thái dương, xương đá hay xuống chẩm với hội chứng nhiễm khuẩn nặng; Liệt mặt ngoại biên do tổn thương dây thần kinh số VII; Viêm mê nhĩ; Các biến chứng nội sọ như viêm màng não, áp xe não hay viêm tĩnh mạch bên.
Phối hợp 2 đường mổ
BSCKII Phạm Văn Sơn phân tích, trước đây phẫu thuật mổ mở triệt căn thường được chỉ định với những trường hợp có bệnh tích viêm xương nặng, có cholesteatoma, có nguy cơ biến chứng... Khuynh hướng hiện nay là làm phẫu thuật sớm để bảo tồn sức nghe và tránh các biến chứng.
Triệt căn xương chũm là một phẫu thuật khó, được tiến hành dưới hai đường mổ: mổ mở đường sau tai và nội soi. Phẫu thuật phải lấy bỏ màng nhĩ, xương búa, xương đe, làm sạch ổ viêm và khó nhất là tạo hình tai giữa và hốc mổ, chỉnh hình cửa tai rộng, đảm bảo VA/S (tỷ lệ giữa thể tích hốc mổ và diện tích cửa tai) hợp lý để đảm bảo tần số âm thanh cho người bệnh. Bởi nếu làm không chuẩn bệnh nhân suốt ngày nghe tiếng kêu trong tai rất khó chịu. Hơn nữa, phẫu thuật cũng có thể dẫn tới biến chứng thần kinh gây liệt mặt...
BSCKII Phạm Văn Sơn khuyên, viêm tai xương chũm thường bắt nguồn từ viêm mũi họng, viêm V.A, viêm tai giữa cấp tính... nên cần chú ý điều trị sớm các bệnh này, tránh gây biến chứng viêm tai xương chũm khó điều trị. Việc phát hiện sớm điều trị viêm tai xương chũm chỉ cần phẫu thuật nội soi đơn giản, để lâu biến chứng khó điều trị, phẫu thuật nặng nề và ảnh hưởng nhiều tới cơ quan trong cơ thể.